(QNO) – Sáng 3/10, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các ông Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội; Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Dương Văn Phước – Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc với cử tri huyện Nam Giang tại xã Tà Bhing.
Thông tin khái quát về tình hình kinh tế – xã hội Quảng Nam 9 tháng đầu năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, ngành du lịch dần phục hồi đã tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt gần 6,5 triệu lượt, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 52,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản xuất nông, lâm, thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nền nhiệt độ cao, lượng mưa bổ sung nhiều, thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển và nuôi trồng thủy sản, là bệ đỡ của kinh tế tỉnh.
Ước thu ngân sách Nhà nước đến cuối tháng 9/2023 ước đạt hơn 13,6 nghìn tỷ đồng (bằng 51% dự toán năm 2023), giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022. Ước chi ngân sách địa phương đến cuối tháng 9/2023 đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
ĐBQH cũng thông tin đến cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV (dự kiến khai mạc vào ngày 23/10 và bế mạc vào ngày 29/11/2023). Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 nghị quyết; cho ý kiến về 8 dự án luật. Quốc hội còn dành thời gian xem xét và thảo luận các báo cáo liên quan đến các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Bnướch Tiêng (xã Tà Bhing) đề nghị cấp thẩm quyền kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; xem xét lại việc không cho người dân canh tác đất lúa nằm trong rừng phòng hộ, trong khi người dân hiện thiếu đất sản xuất. Cùng với đó, có cơ chế bố trí việc làm cho con em ở địa phương đã được đào tạo.
Cử tri Pơ Loong Ban (xã Tà Bing) nêu ý kiến về mục tiêu đặt ra của xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, như vậy phải có 90% hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, nhiều người dân không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh thì liệu có đảm bảo tính bền vững?
Cử tri Pơ Loong Lênh (xã Tà Pơơ) kiến nghị bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp tuyến đường vào nơi tái định cư của người dân thôn Tơ Pơơ phải di dời do ảnh hưởng của thủy điện Sông Bung 4. Kiến nghị ĐBQH đề xuất Quốc hội cần giảm độ tuổi được hưởng chế độ bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi. Vì ở miền núi nói riêng, người sống đến 80 tuổi mới được hưởng không nhiều trong bối cảnh đời sống bà con còn khó khăn, việc chăm lo sức khỏe chưa thường xuyên.
Quốc hội, Chính phủ cần tăng mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách. Bởi vì, mức hỗ trợ xây dựng nhà ở mới 46 triệu đồng/hộ thì không đủ làm, do vật liệu vận chuyển từ đồng bằng nên giá cả rất cao. Trong lúc, người dân vốn nghèo thì lấy đâu ra kinh phí đối ứng.
Cử tri xã Chơ Chun kiến nghị tăng kinh phí cho thành viên của tổ tự quản đường biên, mốc giới; bổ sung công chức cho cấp xã. Cử tri các xã, thị trấn huyện Nam Giang còn kiến nghị cần nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14D. Có chủ trương chính sách thu hút đầu tư vào du lịch, công nghiệp miền núi để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Liên hệ với các chuyên gia nghiên cứu về đất đai, thổ nhưỡng để xem xét địa phương có thể trồng cây gì, nuôi con nào cho hiệu quả…
Các ngành chức năng của tỉnh, huyện Nam Giang đã trả lời cử tri những vấn đề trong thẩm quyền. Thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, đại biểu Phan Thái Bình tiếp thu kiến nghị của cử tri và cho biết sẽ tổng hợp và kiến nghị đến Quốc hội, các bộ ngành xem xét, giải quyết và thông tin kịp thời đến cử tri theo quy định.