Việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị quyết 07 ngày 13/1/2021 của HĐND tỉnh tại huyện Phước Sơn đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, chưa đáp ứng về tiến độ và cả nhu cầu được đo đạc, “định vị” quyền sử dụng đất của người dân.
Tiến độ triển khai chậm
Trước khi có Nghị quyết 07, UBND huyện Phước Sơn đã triển khai thực hiện thí điểm việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính tại xã Phước Đức, kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương.
Đến nay, huyện đã hoàn thành công tác đo đạc tại 2 xã Phước Đức, Phước Hiệp và đang tiếp tục thực hiện việc kê khai đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho nhân dân.
Xã Phước Hòa vừa hoàn thành công tác đo đạc và tổ chức nghiệm thu khối lượng, còn thị trấn Khâm Đức đang việc thực hiện đo đạc, dự kiến hoàn thành đo đạc và tiến hành nghiệm thu sản phẩm đo đạc vào tháng 9/2023.
Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, đến năm 2026, huyện Phước Sơn hoàn thành việc đo đạc mới 10.671ha và thực hiện cấp GCNQSDĐ lần đầu cho 8.996 thửa; đo đạc chỉnh lý biến động 2.846ha và thực hiện cấp đổi GCNQSDĐ cho 2.360 thửa. Ngoài 4 địa phương đã thực hiện như nêu trên, 8 xã còn lại của huyện Phước Sơn chưa triển khai đo đạc.
Ông Hồ Công Điểm – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn thừa nhận, tiến độ thực hiện việc đo đạc, cấp GCNQSDĐ cho nhân dân theo Nghị quyết 07 còn chậm so với lộ trình, kế hoạch đề ra.
Trong các khó khăn, vướng mắc, theo ông Điểm, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 07 là toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống, có hộ khẩu thường trú tại địa phương, trực tiếp sản xuất lâm nghiệp thuộc địa bàn 9 huyện miền núi, trong đó có Phước Sơn, tuy nhiên trên thực tế, chưa đáp ứng được hết nhu cầu đo đạc, cấp GCNQSDĐ cho nhân dân.
Lý do ông Điểm đưa ra là đất nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, nhưng người dân sử dụng vào mục đích trồng rừng; theo quy định không được lập hồ sơ đo đạc nên người dân không hài lòng. Như tại xã Phước Đức, đơn vị đo đạc đã đo đất nương rẫy của nhân dân theo phương pháp khép kín thửa đất với tổng diện tích 950ha.
Sau khi đối chiếu với quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 120 ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh thì phần diện tích nằm trong quy hoạch chức năng rừng sản xuất được nghiệm thu đúng theo đề án là 529,12ha, còn lại 420,88 ha nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng nên phải cắt bỏ không nghiệm thu.
Tuy nhiên, trong 420,88ha đất trên nhân dân vẫn đang trồng rừng, dẫn đến người dân không hài lòng với việc đo đạc cũng như cấp GCNQSDĐ, vì không cấp giấy hết diện tích của dân đang sử dụng.
“Đất rừng sản xuất của Phước Sơn hơn 14.000ha, nhưng diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng rất nhiều. Nhu cầu đo đạc, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp của nhân dân rất lớn. Vậy nên, HĐND tỉnh nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung phạm vi, đối tượng đang được quy định tại Nghị quyết 07 nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân” – ông Điểm kiến nghị.
Tiếp thu kiến nghị
Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 07 tại Phước Sơn, Sở TN-MT cho biết, đến thời điểm này, Phước Sơn đã đo đạc 2.648ha/13.517ha toàn huyện, chiếm 19,59% so với Thiết kế kỹ thuật – dự toán được phê duyệt. Công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ triển khai thực hiện đúng quy trình và đảm theo yêu cầu kỹ thuật, máy móc thiết bị đo đạc đảm bảo yêu cầu và có độ chính xác cao.
Qua kiểm tra kết quả đo đạc các thửa đất được kiểm tra đều đảm bảo độ chính xác về loại đất, hình thể và chủ sử dụng, đúng theo quy định hiện hành. Hiện địa phương đang tổ chức kê khai, đăng ký cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình, cá nhân.
Tại cuộc giám sát của HĐND tỉnh vừa qua, ông Võ Như Toàn – Phó Giám đốc Sở TN-MT lưu ý, Phước Sơn phải tập trung rà soát cho đúng và bám sát phạm vi được quy định tại Nghị quyết 07 để triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu giao đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng, còn bên ngoài (đất trồng cây lâu, các loại đất khác) có diện tích lớn, tạm thời chưa tính đến.
“Nghị quyết quy định trích 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất để thực hiện đo đạc, cấp GCNQSDĐ, song nguồn thu từ tiền sử đất của các huyện miền núi không nhiều. Theo đó, Phước Sơn cần rà soát, báo cáo thiếu bao nhiêu kinh phí so với dự toán, thiết kế kỹ thuật, khả năng địa phương đáp ứng được, đề xuất cụ thể tỉnh xem xét hướng hỗ trợ” – ông Toàn nói.
Ông Trần Út – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, đối với nhu cầu, mong muốn của người dân được đo đạc, cấp GCNQSDĐ nhưng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh thì huyện phải có biện pháp tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu, chứ không phải đưa vào giải quyết theo Nghị quyết 07. Như vậy sẽ dẫn đến sai phạm vì liên quan đến vấn đề giải ngân kinh phí thực hiện.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh cho biết, Nghị quyết 07 ra đời xuất phát từ đòi hỏi, nhu cầu được đo đạc, cấp GCNQSDĐ của nhân dân các huyện miền núi. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện thì vướng, tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra.
“Đoàn giám sát tiếp thu kiến nghị mở rộng phạm vi, đối tượng được điều chỉnh của Nghị quyết 07. Người dân suốt đời sống gắn bó với rừng, bảo vệ rừng mà không được cấp GCNQSDĐ là không công bằng. Mục tiêu đặt ra tại nghị quyết là người dân phải có GCNQSDĐ trên diện tích đất rừng họ đang sản xuất” – ông Thanh nói.