Đợt khảo sát cũng xác định vị trí, phạm vi, niên đại, tính chất của địa điểm khảo cổ; đưa ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị. Trong đó có việc khai quật khảo cổ học, khoanh vùng bảo vệ, làm cơ sở cho việc xây dựng bản đồ khảo cổ học và quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2030.
Trên địa bàn TP.Hội An hiện có 2 di tích khảo cổ được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 17 di tích nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố và nhiều địa điểm khảo cổ khác.
Theo ông Võ Hồng Việt – cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, từ năm 1989 đến nay, qua các đợt nghiên cứu khảo cổ học tại địa phương, hàng chục nghìn hiện vật đồ sộ, đa dạng về loại hình, kiểu dáng và phong phú về chất liệu theo hệ thống các di tích khảo cổ thuộc các thời kỳ khác nhau từ tiền – sơ sử – văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa,… cho đến ngày nay đã được phát hiện.
Kết quả này góp phần nhận thức thấu đáo hơn về lịch sử, văn hóa mảnh đất, con người Hội An và nhận diện được không gian khu phố cổ Hội An vào thế XVI – XVII. Bên cạnh đó cũng đặt ra một số vấn đề khoa học quan trọng cần được giải đáp như mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và Chăm Pa; vị trí khu phố cổ Hội An thời kỳ Vương quốc Chăm Pa; vị trí khu phố của người Nhật, Hoa, Việt trong thế kỷ XVI – XVIII; sự hình thành cộng đồng làng xã của người Việt ở Hội An…