Tính đến ngày 16/10/2024, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của Quảng Nam đạt 46,1% so kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (nguồn ngân sách trung ương đạt 37,6%) là con số quá thấp so với yêu cầu đặt ra.
Điều chuyển kế hoạch vốn
HĐND tỉnh đã chuẩn y điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 gần 246,2 tỷ đồng từ các nhiệm vụ, nghị quyết và dự án giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2024. Cụ thể: các nghị quyết của HĐND tỉnh sẽ giảm gần 33,8 tỷ đồng và gần 212,4 tỷ đồng của nhiều dự án khác.
Theo ông Đinh Châu Hiếu Toàn – Trưởng phòng Quy hoạch – Tổng hợp Sở KH-ĐT, tại Nghị quyết số 56, ngày 8/12/2023, HĐND tỉnh giao dự toán chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất (khoản đưa vào cân đối cấp tỉnh) khoảng 1.072 tỷ đồng. Nguồn sử dụng đất đã phân bổ hơn 645,8 tỷ đồng; chưa phân bổ gần 426,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nguồn thu tiền sử dụng đất ngân sách cấp tỉnh phát sinh là 125 tỷ đồng. Như vậy, hụt thu tiền sử dụng đất (mất cân đối ngân sách) hơn 520,8 tỷ đồng.
Để bảo đảm cân đối ngân sách, nguồn thu sử dụng đất tiết kiệm được thông qua việc rà soát, điều chỉnh giảm gần 117,4 tỷ đồng sẽ được tính toán thu hồi ngân sách để khắc phục tình trạng hụt thu nguồn sử dụng đất.
Số vốn điều chỉnh giảm còn lại gần 128,8 tỷ đồng sẽ bổ sung cho các nhiệm vụ, dự án theo nguyên tắc và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn. Theo đó, sẽ bố trí cho các nghị quyết, dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đã thực hiện phê duyệt quyết toán hoặc thẩm tra quyết toán hoàn thành với số tiền gần 21,7 tỷ đồng, bố trí thu hồi vốn ứng trước của 2 dự án ODA (Liên kết Vùng miền Trung và Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM) hơn 32,5 tỷ đồng và thanh toán nợ khối lượng chuyển tiếp của các nghị quyết, dự án (bao gồm cả vốn đối ứng Chương trình mục tiêu quốc gia) hơn 74,6 tỷ đồng.
Không phải đợi đến gần kết thúc năm 2024 thì tỉnh mới tính đến chuyện điều chuyển vốn đầu tư công ngân sách 2024. Ngay khi rà soát của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam đến cuối tháng 5/2024 có 13 sở, ban, ngành và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp dưới 15%, UBND tỉnh đã quyết định đến hết ngày 31/5/2024, các nhiệm vụ, dự án chưa đảm bảo đủ điều kiện phân bổ kế hoạch vốn, Sở KH-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét cắt giảm kế hoạch vốn và điều chuyển bổ sung vốn cho các dự án khác có nhu cầu.
Chính quyền Quảng Nam kiên quyết thực hiện điều chuyển, cắt giảm hoặc đảo nguồn kế hoạch vốn từ các công trình dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình, dự án giải ngân cao có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn, các dự án đã quyết toán hoàn thành và các dự án có nhu cầu thanh toán nợ khối lượng, giải phóng mặt bằng và các dự án ngân sách tỉnh đang nợ khối lượng xây dựng cơ bản.
Đẩy tỷ lệ giải ngân
Theo thống kê, cùng với sự nỗ lực của các chủ đầu tư, địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án, hoàn chỉnh hồ sơ quyết toán, giải ngân thì việc điều chuyển vốn qua nhiều đợt (khoảng hơn 500 tỷ đồng) đã góp phần đưa tỷ lệ giải ngân tăng lên đáng kể.
Một điểm khác nhiều so với các năm trước đó là các chủ đầu tư, địa phương không “găm vốn” mà chủ động kiểm tra, rà soát đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án cụ thể có tỷ lệ giải ngân thấp để đề xuất cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn sang các dự án đảm bảo khối lượng.
Số vốn này có thể chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân ngay khi tiếp nhận nguồn vốn bổ sung trong nội bộ của từng đơn vị hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm kế hoạch vốn năm để điều chuyển cho các đơn vị, địa phương có nhu cầu bổ sung vốn.
Ngoài ra, đối với các dự án vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn tồn đọng kéo dài, không thể tiếp tục thực hiện thì đều đề xuất dừng dự án hoặc thu hẹp quy mô dự án để thực hiện quyết toán dự án hoàn thành.
UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024 hơn 163 tỷ đồng (ngân sách tỉnh vay lại 80,4 tỷ đồng, ngân sách trung ương cấp phát phát 82,6 tỷ đồng) sang các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu.
Ngoài ra, nếu chấp nhận “rủi ro” khi điều chuyển kế hoạch vốn ngân sách trung ương (sẽ gặp khó khăn về việc trung ương có bố trí vốn nữa hay không, có thể điều chuyển vốn từ dự án đường 129 sang cầu Văn Ly có khối lượng, nhưng thiếu khoảng 50 tỷ đồng năm nay), thì hy vọng Quảng Nam sẽ nâng cao tỷ lệ giải ngân năm 2024 đạt mục tiêu đề ra.
Niên độ giải ngân sẽ kết thúc vào ngày 31/1/2025. Áp lực giải ngân đã buộc chính quyền quyết định điều chuyển hay cắt vốn… đã thành thông lệ. Có thể thấy ngay việc cắt giảm, điều chuyển vốn sẽ gia tăng tỷ lệ giải ngân cũng chỉ là những giải pháp nhất thời, tình thế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Thử – Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, để đạt tỷ lệ giải ngân cao, ngoài nỗ lực của các chủ đầu tư thì việc cắt, điều chuyển vốn chỉ là giải pháp kỹ thuật, tình thế, nhưng lại là “chiếc phao” cho việc đẩy tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn gia tăng.
Không ít câu hỏi đặt ra cho việc điều chuyển vốn và liệu có giải ngân hết số vốn đã được điều chuyển này. Ông Đoàn Văn Thông – Bí thư Huyện ủy Phước Sơn nói, chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm, kèm theo mùa mưa bão.
Sẽ khó giải ngân hết số vốn tăng cường cho địa phương (50 tỷ đồng) sẽ kéo tỷ lệ giải ngân của huyện xuống thấp. Nên cần chia sẻ và thông cảm với địa phương khi không đạt tỷ lệ giải ngân tối đa.
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh nói, các cơ quan tham mưu đã cân nhắc từng danh mục điều chỉnh. Không thể điều chỉnh, bổ sung tăng cho các dự án, địa phương mà không xài hết vốn. Điều quan trọng nhất là giải ngân đúng tiến độ, tiêu hết vốn và sử dụng hiệu quả đồng vốn ngân sách vào chất lượng công trình, dự án đã thống nhất điều chuyển vốn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dieu-chuyen-von-dau-tu-cong-ke-sach-giai-ngan-cua-quang-nam-3143758.html