Ngày 25/7, người dân và du khách có thể dễ dàng nhìn thấy toàn cảnh di tích Chùa Cầu sau khi cơ quan chức năng tiến hành tháo dỡ toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn.
Di tích Chùa Cầu hiện đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu gồm hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình…
Tại di tích này hiện vẫn còn nhiều tốp thợ hối hả hoàn thiện các công đoạn cuối cùng của việc tu bổ để chuẩn bị cho lễ khánh thành di tích này vào đầu tháng 8 tới nhân sự kiện “Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản” lần thứ 20 – năm 2024.
Không tính đợt trùng tu mới nhất, theo tư liệu, Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng; trong đó ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP.Hội An bố trí 50%.
Dự án này được khởi công vào ngày 28/12/2022, trong quá trình tu bổ đã tiếp tục tham vấn kỹ lưỡng ý kiến của các chuyên gia về một số hạng mục quan trọng; đồng thời được UBND tỉnh gia hạn thời gian thi công tu bổ công trình bởi tính chất quan trọng của di tích này khi Chùa Cầu được xem là biểu tượng của đô thị cổ Hội An.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An, trong quá trình tu bổ Chùa Cầu, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn bởi có những ý kiến khác nhau về việc trùng tu một số hạng mục nhưng đáng mừng là việc tu bổ đến nay sắp hoàn thành, gần như không có gì thay đổi với hiện trạng trước đây.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dien-mao-chua-cau-sau-khi-trung-tu-3138493.html