Tăng trưởng khá
“Định cư” tại Cụm công nghiệp (CN) Đại Quang (xã Đại Quang) vào năm 2007, Công ty CP Prime Đại Lộc (trực thuộc Prime Group) chuyên sản xuất gạch ốp tường, gạch lát sàn đã khẳng định uy tín trên thương trường.
Sự có mặt của doanh nghiệp (DN) này, cùng với Công ty TNHH Groz-Beckert Việt Nam (Cụm CN Đại An, thị trấn Ái Nghĩa) là điểm nhấn về thu hút đầu tư phát triển CN của Đại Lộc.
Ông Nguyễn Văn Chinh – Trưởng phòng Tổ chức hành chính Prime Đại Lộc cho biết, ngành sản xuất vật liệu xây dựng thời gian qua gặp khó do sức tiêu thụ của thị trường giảm. Giữa bối cảnh ấy, ban lãnh đạo công ty rất nỗ lực duy trì hoạt động, giải quyết việc làm cho 630 lao động.
Năm 2023, ngành CN chịu nhiều tác động tiêu cực; tuy nhiên, theo ông Lê Văn Quang – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, mũi nhọn kinh tế này trên địa bàn đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện (nhiệm kỳ 2020 – 2025), sản xuất CN – tiểu thủ CN tiếp tục tăng trưởng khá.
Tổng giá trị sản xuất ngành CN – tiểu thủ CN – xây dựng trong 2 năm 2021, 2022 đạt 16.862,5 tỷ đồng (tăng trưởng bình quân 13,32%); trong đó CN phần huyện quản lý tăng 13,75%, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Năm 2023, giá trị sản xuất ngành CN khu vực ngoài nhà nước phần huyện quản lý đạt 7.044,6 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm 2022.
Tại các cụm CN ở Đại Lộc, hiện có 43 dự án đã đi vào sản xuất và đang hoàn thiện các thủ tục để hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 8.858 lao động. Ngành CN là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội huyện Đại Lộc.
Trong 43 dự án đầu tư trên địa bàn, có 27 dự án đã hoạt động, giải quyết việc làm cho 6.251 lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách và làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng CN hóa. Năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước của Đại Lộc hơn 1.138 tỷ đồng, đạt 140% so với dự toán tỉnh giao và bằng 118% so với dự toán huyện giao.
Nỗ lực tháo gỡ khó khăn
Đại Lộc có 14 cụm CN đảm bảo điều kiện để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, công tác phòng cháy, chữa cháy và một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đặc biệt hạ tầng xử lý môi trường.
Trước đây, việc huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cụm CN chủ yếu dựa vào cơ chế hỗ trợ đầu tư tại Quyết định số 06 ngày 17/4/2012 của UBND tỉnh và nguồn thu từ tiền thuê đất trả 1 lần đối với các dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh trong cụm CN theo Quyết định số 3910, ngày 11/12/2014 của UBND tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác của huyện.
Tuy nhiên, Nghị quyết số 34 ngày 29/9/2021 của HĐND tỉnh quy định Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm CN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025 và Quyết định số 3043 ngày 22/10/2021 của UBND tỉnh về việc quy định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm CN giai đoạn 2021 – 2025, các cụm CN ở Đại Lộc không còn được hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉ hỗ trợ cho DN làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật…
Mặt khác, cấp thẩm quyền chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm CN và các DN thứ cấp.
Trước vướng mắc nêu trên, Đại Lộc đang triển khai nhiều biện pháp thuộc thẩm quyền của địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất kinh doanh.
Cụ thể như: cải cách thủ tục hành chính, chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN; vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút dự án đầu tư vào các cụm CN.
Ông Lê Văn Quang cho biết, Đại Lộc ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, vốn đầu tư lớn, thân thiện môi trường, giải quyết được nhiều lao động. Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung QL14B, đoạn đi qua Đại Lộc.
Trong đó, tập trung khớp nối các cụm CN hiện có vào định hướng quy hoạch phát triển khu CN ở vị trí thuận lợi, như tại xã Đại Đồng (240ha), xã Đại Quang (215ha) nhằm đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật phát triển CN.
Đại Lộc cũng đề xuất UBND tỉnh bổ sung Cụm CN Đại Sơn (50ha) vào quy hoạch phát triển mạng lưới các cụm CN, để di dời các cơ sở, nhà máy sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào cụm CN này…