Nhận diện khó khăn
“Di chứng” của đại dịch COVID-19 kéo dài đã tác động xấu đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Không chỉ thiếu dòng vốn dịch chuyển về Việt Nam (trong đó có Quảng Nam), hoạt động của các giấy phép FDI tại địa phương còn hiệu lực cũng không như mong muốn. Năm 2023, có thêm 4 dự án FDI được cấp phép với số vốn đầu tư ít ỏi 58,58 triệu USD, nhưng đã có đến 5 dự án phải rời bỏ thị trường.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông qua chỉ số PCI 2023, mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp FDI địa phương đã có sự giảm sút. Tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất, kinh doanh hai năm tiếp theo chỉ khoảng 26%.
Mức độ lạc quan của các doanh nghiệp định hướng thị trường trong nước giảm nhẹ xuống 23,6% và mức độ lạc quan của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm mạnh xuống 28,7%.
Con số này phản ánh tâm lý thận trọng hơn của các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó đoán định như hiện nay. Nguyên nhân có thể đến từ bối cảnh thế giới có nhiều biến động cộng hưởng với các lực hút thị trường giảm sút…
Theo điều tra, những khó khăn doanh nghiệp FDI gặp phải khi hoạt động tại địa phương luôn liên quan đến chính sách, quy định, thủ tục hành chính.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường gặp những khó khăn liên quan đến chính sách và quy định (22% doanh nghiệp), thực hiện thủ tục hành chính (16%).
Các doanh nghiệp Nhật Bản gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hoàn thuế, quyết toán thuế (42% và 58%).
Doanh nghiệp Trung Quốc cho biết ít gặp khó khăn về chính sách, quy định (chỉ 9% và 5% doanh nghiệp đánh giá). Cái khó nhất của doanh nghiệp Trung Quốc là sự biến động của thị trường và khó tìm kiếm được khách hàng (38% và 44%).
Thu hút đầu tư FDI hay cảm nhận về năng lực cạnh tranh không đến từ sự thiếu cung cấp môi trường đầu tư hay cản trở nhiều từ thực thi các chính sách, cơ chế, thủ tục hành chính của các cơ quan công quyền địa phương. Sự sụt giảm sản xuất, kinh doanh đến từ thị trường.
Chuyện Nhà máy bia Heineken Quảng Nam (Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc) tạm ngừng hoạt động hay Woochang Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) tại Cụm công nghiệp Trảng Nhật 1 gặp khó khăn tài chính vì hỏa hoạn là hai ví dụ về chuyện riêng của doanh nghiệp.
Tiếp tục thu hút đầu tư
Theo thống kê của Sở Tài chính, hiện tại có đến 37% doanh nghiệp FDI báo lãi. Nhiều doanh nghiệp đã tăng vốn đầu tư, tuyển dụng thêm lao động.
Ông Steven Wolstenholme – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An – Hoiana Resort&Golf (đơn vị phát triển dự án) cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô dự án với khoản đầu tư lên đến 1 tỷ USD, tuyển dụng thêm 2.500 lao động trong 2 năm tới.
Tổng Giám đốc Hyosung Quảng Nam Par Chan cho rằng sự hỗ trợ từ địa phương đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp ngân sách và tuyển dụng lao động tại địa phương.
Tính đến giữa tháng 11/2024, có 201 dự án FDI còn hiệu lực, giải quyết việc làm cho hơn 62.000 lao động địa phương. Quyết tâm thay đổi, cải thiện môi trường đầu tư đã trở thành điểm cộng của Quảng Nam.
Ông Bodo Th. Boelzle – Giám đốc điều hành Tập đoàn Amann nói quyết định đặt nhà máy ở Quảng Nam vì đây là nơi xử lý thủ tục hành chính đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều nhà đầu tư FDI nói môi trường đầu tư cởi mở, thân thiện, kết cấu hạ tầng đang được đầu tư mạnh và ngày càng hoàn thiện.
Những chính sách theo hướng minh bạch hóa về thủ tục đầu tư, bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài chính là yếu tố cốt lõi làm gia tăng niềm tin, quyết định lựa chọn Quảng Nam đầu tư của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc.
Trong các cuộc gặp gỡ gần đây, doanh nghiệp FDI trông chờ nhiều nhất vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, giấy phép làm việc; từ hạ tầng xử lý nước thải trong các khu, cụm công nghiệp, giải phóng mặt bằng, nhà ở công nhân, tái định cư…
Doanh nghiệp mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ, nhanh chóng và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các thủ tục phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường, cấp phép đầu tư… để có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn, xây dựng môi trường đầu tư tốt nhất, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp FDI phát triển. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong thẩm quyền, nhanh chóng, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong từng dự án đầu tư cụ thể.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/diem-cong-cua-quang-nam-va-niem-tin-tu-doanh-nghiep-fdi-3144558.html