Lúc 8 giờ 30 phút ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Cột mốc đánh dấu sự nỗ lực của vùng đất mang trong mình một bề dày di sản, lịch sử và văn hóa.
Thành phố di sản
Trải dài từ Bắc Nam; Đông Tây xứ Huế hội tụ đủ các điều kiện tự nhiên lẫn bề dày văn hóa, từ di sản của tiền nhân đến các thế mạnh của núi rừng, danh lam thắng cảnh, sông nước, đầm phá, biển.
Huế cũng là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử… Điều này khẳng định thương hiệu: “Một điểm đến – 8 di sản”.
Danh xưng thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu – đúng như Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.
Xác định bề dày là một khối tài sản tiền nhân để lại cho Huế, và đó cũng là “thách thức luôn được quan tâm chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững”.
Sau ngày Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương nói: “sẽ luôn cố gắng để nắm bắt khó khăn như một cơ hội và từng bước khắc phục, nhằm đưa Huế trở thành một thành phố không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn giàu về giá trị văn hóa”.
Người đứng đầu chính quyền địa phương mong muốn phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa. Xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái.
“Quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển”, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định.
Thành phố bên dòng sông Hương
Trung tâm của thành phố Huế vẫn được xây dựng lấy sông Hương làm trục chính. Sông Hương được xem là “xương sống” của đô thị Huế. Hiện tại, sau hơn 3 năm triển khai đồ án quy hoạch chi tiết, hai bờ sông Hương có nhiều thay đổi đáng kể theo hướng bảo tồn, phát triển hài hòa về không gian, kiến trúc cảnh quan. Các dự án chỉnh trang đồi Vọng Cảnh, cồn Dã Viên, các tuyến đường đi bộ dọc theo đôi bờ nam, bắc sông Hương… đều tuân theo yếu tố thuận theo tự nhiên của sông Hương, núi Ngự.
Ở bờ Bắc sông Hương, yêu cầu không phá vỡ cảnh quan, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén sẽ giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn phát triển. Việc di dân ở các vùng Thượng Thành, Eo Bầu và di chuyển một vài cơ quan trong thành nội Huế là hướng đi để giải bài toán “không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao” mà chính quyền đề ra.
Bờ Nam sông Hương, đi dần về phía đông, phía nam Huế sẽ phát triển mạnh hơn, với những công trình hiện đại để “Huế không còn buồn chán”.
Muốn một đô thị cảnh quan, thân thiện với môi trường cho Huế, phải chú trọng vào việc trồng, bảo vệ cây xanh. Những đường sá ngập trong sắc xanh, rợp bóng mát là một niềm tự hào của đô thị Huế. Xứ này từng được vinh danh là “Thành phố xanh quốc gia”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN” – đó là kim chỉ nam để chính quyền biết mà đối đãi với thiên nhiên, cây xanh.
Di sản là để chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn, để người dân, du khách tìm hiểu về chiều dài lịch sử và phát triển của cố đô. Nhưng cây xanh là thứ để cho cuộc sống người dân bình an, mang lại môi trường trong lành. Dọc sông Hương, từ thượng nguồn đến hạ du, chỗ nào nếu ngồi xuống bạn cũng cảm nhận được khí lành từ trời đất, từ cây xanh, gió mát của sông.
Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không chỉ dừng lại ở một “cái danh”, mà đây còn là câu chuyện tìm kiếm mô hình phát triển bền vững – nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại.
Trước đây, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng từ chối một vài dự án công nghiệp nặng vì muốn phát triển theo hướng bền vững, không đánh đổi môi trường. Ông Phương nhấn mạnh, mục tiêu kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế sẽ luôn kiên định phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa.
Văn hóa, di sản làm nên Huế, để mất nền móng này, đô thị sẽ khó có sự khác biệt. Những khó khăn trước vận hội mới của Huế, theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, đó là việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, sự thách thức của biến đổi khí hậu. Đây là một bài toán khó vì Huế là nơi có nhiều di sản văn hóa và lịch sử, điều này đòi hỏi sự khéo léo trong quy hoạch, quản lý và bảo tồn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/di-san-nen-mong-cho-do-thi-hue-3145487.html