Nhiều dấu ấn
Năm 2024, công tác xúc tiến du lịch đạt nhiều dấu ấn lớn, đặc biệt tại thị trường quốc tế. Ngành du lịch Việt Nam đã tham gia gian hàng tại 4 hội chợ du lịch lớn, uy tín ở khu vực và thế giới; tổ chức 9 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam và kết nối doanh nghiệp, lễ hội văn hóa – du lịch tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ và 16 thành phố.
Các hoạt động xúc tiến du lịch ở nước ngoài cơ bản đã được khôi phục với quy mô, số lượng và tần suất như trước dịch COVID-19. Hoạt động xúc tiến du lịch cũng từng bước đổi mới về hình thức, nội dung, nâng cấp về quy mô và tầm vóc.
Xúc tiến du lịch đã gắn kết với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực; gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Chính phủ tại các nước.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong cho hay, có tới 3 chương trình xúc tiến du lịch – văn hóa ở nước ngoài trong năm 2024 có sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ. Điều đó gửi đi thông điệp mạnh mẽ về việc tăng cường, đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quốc gia trong bối cảnh mới.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam thông tin, trong năm ngành du lịch địa phương cũng tích cực cùng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và các địa phương liên quan tham gia chương trình xúc tiến tại Đài Loan (Trung Quốc) và Úc để đẩy mạnh khai thác một số thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh.
Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đóng góp tích cực vào thúc đẩy đạt các mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm 2024. Đến hết tháng 11/2024, Việt Nam đón 15,8 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 105 triệu lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu du lịch đạt 758 nghìn tỷ đồng.
Tăng cường liên kết
Theo kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch quốc gia năm 2025, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường còn dư địa, có khả năng tăng trưởng mạnh.
Duy trì, mở rộng các thị trường truyền thống, có tỷ trọng cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; đầu tư mạnh hơn, đảm bảo hiệu quả vào các thị trường chi tiêu cao châu Âu, Úc, Mỹ và các thị trường mới, tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ.
Nhân Năm du lịch quốc gia Huế 2025, sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về công nghiệp văn hóa phục vụ phát triển du lịch và tổ chức chương trình Năm du lịch quốc gia Huế tại châu Âu.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, đây không chỉ là sự kiện của riêng Huế. Các địa phương, trước hết là 5 tỉnh, thành phố trong liên kết du lịch “Miền di sản diệu kỳ” cần liên kết chặt chẽ để xúc tiến du lịch và lượng hóa được kết quả từ việc liên kết.
“Ngoài ra, 2 địa phương Quảng Nam và Kon Tum đều đăng ký tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh trong năm 2025, nên chăng 2 tỉnh cần ngồi lại với nhau để phối hợp tổ chức một lễ hội quốc gia và lan tỏa thương hiệu ra quốc tế. Nếu hai bên thống nhất thì Bộ VH-TT&DL sẵn sàng đứng ra cùng 2 địa phương để làm” – Thứ trưởng Hồ An Phong gợi ý.
Cũng theo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, sự kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cộng đồng trong hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến rất quan trọng. Công tác xúc tiến du lịch thời gian qua đã khắc phục đáng kể tình trạng mạnh ai nấy làm. Các bên liên quan từ Bộ VH-TT&DL, các địa phương và doanh nghiệp nếu liên kết cùng nhau thì việc xúc tiến sẽ thu được hiệu quả cao hơn rất nhiều.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/di-cung-nhau-trong-xuc-tien-du-lich-3145584.html