Về chiến trường xưa
Không gian của quán 1971 ở Pasong, tỉnh Champasak rất giống bảo tàng quân sự. Phía ngoài quán trưng bày pháo 105 ly, đạn cối 120, đạn cối 81, bom bi, mìn Cleymore… của quân đội Mỹ. Những bức tường loang lổ, chi chít vết đạn. Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng không gian nơi đây hầu như không thay đổi. Những kỷ vật chiến tranh nằm đó, lặng lẽ cùng từng câu chuyện được kể.
Thời tiết se lạnh, cà phê nguyên hạt được chế biến tại chỗ. Trong quán, là các cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 968 về thăm lại chiến trường xưa. Họ đã tham gia các trận đánh khốc liệt và may mắn bình yên trở về, dù thân thể bị nhiều thương tích.
Họ mong được trở về thăm đất nước xứ sở của hoa Champa và gặp lại những người dân của bộ tộc Lào, nhớ về một thời được chia sẻ từng nắm xôi, khúc mía…
Champasak từng là chiến trường khốc liệt trong chiến dịch giải phóng cao nguyên Bolaven năm 1971. Sư đoàn 968 là đơn vị chủ lực cơ động của Quân khu 4 cùng các đơn vị khác đã góp phần đánh bại cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ – ngụy. Vùng giải phóng Nam Lào được mở rộng và củng cố vững chắc.
Đọc “Hồi ức lính” của nhà văn Vũ Công Chiến, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về những ngày tháng bi hùng của bộ đội Việt Nam và Pathet Lào. Hết mùa mưa lại đến mùa khô ở Bolaven, trận chiến Ba Lào Ngam; chiến trận ở Sa-ra-van; chiến trường Paksong Tết 1973…
Tượng đài Liên minh chiến đấu Lào – Việt
Tượng đài Liên minh chiến đấu Lào – Việt Nam ở bản Paksong là một trong 4 tượng đài được xây dựng trên đất nước Lào tại các tỉnh Udomxay, Xieng Khoang, Attapue và Champasak.
Công trình văn hóa có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là biểu tượng cao cả, sinh động để các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về tình đoàn kết, lòng dũng cảm, sự hy sinh của quân dân hai nước Việt Nam – Lào để mang lại hòa bình ở cao nguyên Bolaven.
Không chỉ có tượng đài, từng con đường ở Bolaven đều mang dấu ấn tình hữu nghị. Ví như đường số 909 – ngày trước là đường Trường Sơn phía tây. Trên đường này có khoảng một cây số là con đường mòn Hồ Chí Minh xưa kia, nay được rào bằng hai hàng rào sắt thấp chừng nửa mét để bảo tồn cho khách tham quan.
Ở bản Đông, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet có Bảo tàng truyền thống Liên minh chiến đấu Việt – Lào. Nơi đây, từng hiện vật, tư liệu lịch sử, câu chuyện chiến đấu anh hùng như tái hiện sống động về cuộc chiến đấu chống Mỹ.
Ở đó, câu chuyện về trận đánh địch tại Bản Đông của bộ đội Việt Nam hiệp đồng với Bộ đội Pa-thét Lào trong Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971 đã đi vào lịch sử hào hùng của hai dân tộc.
Biết bao chuyện kể về những tấm lòng của người dân Lào với bộ đội Việt Nam – họ như những đóa Champa vừa đẹp vừa thơm, vừa dịu hiền giữa rừng Lào. Các CCB còn trở lại những nơi từng đóng quân như bản Wang Nhao – đây là địa điểm vào những năm 1972 – 1973, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968 đã thực hiện cứu chữa thương binh và nhân dân Lào.
Họ gom góp chút quà để bà con xây dựng điểm trường khang trang hơn. Những năm gian khó, những “thiềng na” – nhà lều coi ruộng, rẫy của dân có sẵn thóc lúa, quả bí, quả bầu được các bộ tộc Lào để dành cho bộ đội. Ở những ngã ba, dọc bờ sông, dân lại dựng lên những ngôi nhà đơn giản bằng gỗ – gọi là sa la – để bộ đội tránh nắng, trú mưa.
Trở lại để đưa đồng đội về
Có những người lính sau khi xuất ngũ, nhớ rừng khoọc, rừng le mà trở lại đất này. CCB Nguyễn Thông là người như vậy. Sau khi xuất ngũ, anh ở lại và xây dựng gia đình tại Khongsedone. Hiện CCB Nguyễn Thông là Phó Chủ tịch Hội Việt kiều ở Salavanh. Anh cùng gia đình đã tìm kiếm và quy tập hàng trăm hài cốt liệt sĩ đưa về Việt Nam.
Trên đất Lào, trong những năm tháng chống giặc ngoại xâm, có hơn nửa triệu lượt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam sát cánh cùng quân dân Lào chiến đấu. Và đã có hơn 50.000 người bị thương và 40.000 liệt sĩ.
Đến viếng những ngôi chùa ở Bolaven, với khói hương nghi ngút, họ cầu mong đồng đội mình sẽ được tìm thấy và quy tập về đất mẹ. CCB Hoàng Xuân Chính nói, anh đã tự tay mình chôn cất 5 đồng đội ở cạnh nhau tại Khongsedone, bên con suối nhỏ… Những cái tên, khuôn mặt đồng đội anh vẫn còn nhớ như in. Mỗi liệt sĩ khi được an táng đều có lọ Penicyclin đựng mảnh giấy nhỏ ghi tên, tuổi, quê quán để trong túi áo ngực.
Thông tin này đã được đưa đến đội K53 – đội đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện. Anh Hoàng Xuân Chính, người quân y sĩ của đơn vị vận tải trực tiếp chôn cất các liệt sĩ của 52 năm về trước, sẵn sàng cùng đội quy tập trở lại vùng này để tìm kiếm, đưa các anh trở về. Những người trong cuộc thăm Bolaven hôm ấy, mang đầy hy vọng!
Nguồn: https://baoquangnam.vn/den-bolaven-nghe-chuyen-quan-tinh-nguyen-viet-nam-3146397.html