Dọc triền sông Vu Gia đi qua nhiều thôn xóm, người dân Đại Hồng tích cực gieo trồng cây đậu phụng sẻ để bán trái khô sau thu hoạch, ép lấy dầu sử dụng trong gia đình và bán cho người tiêu dùng xa gần. Nghề ép dầu phụng cũng ra đời rất lâu trên mảnh đất này.
Trước kia, các công đoạn ép dầu phụng đều thực hiện bằng phương thức thủ công thô sơ, cho dầu thành phẩm còn lưu lại cặn, không để được lâu, thì nay nhờ máy móc công nghệ tiên tiến, các công đoạn ép dầu được cải thiện đáng kể.
Từ nguồn hỗ trợ khuyến công của huyện Đại Lộc, HTX Nông nghiệp Đại Hồng được đầu tư dây chuyền công nghệ ép dầu khép kín, giúp khắc phục các nhược điểm của hệ thống ép dầu đang có trên thị trường.
Cũng theo ông Linh, mỗi tạ đậu ép ra dầu thành phẩm dao động từ 30 – 34 lít (tùy thuộc vào chất lượng đậu), mỗi lít có giá bán 110 – 120 nghìn đồng.
Gần đây, người dân có xu hướng quay về với sản phẩm dầu phụng nhà làm. Người dân tự trồng đậu phụng để ép dầu ăn, người không trồng thì mua đậu rồi chở đến HTX ép gia công.
Người tiêu dùng ở xa có thể mua sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm hoặc đặt mua trực tiếp. Để cho dầu phụng thơm ngon, người dân thường trồng hoặc mua đậu phụng sẻ, giống bản địa được trồng ở vùng Đại Hồng để ép…
Với những ưu thế trên, năm 2021, sản phẩm dầu phụng mang thương hiệu Đại Hồng của HTX Nông nghiệp Đại Hồng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. HTX cũng chủ động liên kết, bao tiêu sản phẩm đậu phụng sẻ bản địa cho người dân trồng tại địa phương.
Song, trong xu thế cạnh tranh hiện nay, sản phẩm dầu phụng OCOP Đại Hồng cũng chật vật trong việc tìm đầu ra ổn định. Việc tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất lẫn tiêu thụ là mục tiêu trọng tâm của HTX trong thời gian tới.