Sản phẩm dựa vào giá trị bản địa
Khởi nghiệp từ năm 2021 với một sản phẩm ban đầu, đến nay dự án Phúc Nguyễn Rose – Trà hoa hồng của chị Nguyễn Thị Phúc (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) đã có đến 15 sản phẩm từ hoa hồng và trái quật, được công nhận ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh.
Chị Nguyễn Thị Phúc chia sẻ: “Tôi đã tham gia các diễn đàn, chương trình do hội phụ nữ tổ chức, từ đó có cơ hội khởi nghiệp và hình thành các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Năm 2023, trong 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của TP.Hội An, có đến 8 sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 4 sao. Đáng chú ý, hấu hết phụ nữ khởi nghiệp đều phát triển sản phẩm, dịch vụ nương tựa vào thiên nhiên và giá trị bản địạ.
Chị Thái Thị Nhị – Chủ cơ sở ngũ cốc Mẹ Mít TP.Hội An nói: “Mẹ Mít đang phát triển tốt thứ nhất nhờ vào sự tin yêu của khách hàng, thứ hai là sự hỗ trợ đặc biệt của Hội LHPN TP.Hội An và tỉnh Quảng Nam.
Sau khi tôi đoạt giải nhất Cuộc thi phụ nữ tự tin làm kinh tế, sản phẩm được mọi người biết đến rộng rãi hơn, là động lực để tiếp tục phát triển thương hiệu”.
Được biết, sản phẩm bột dinh dưỡng ngũ cốc Mẹ Mít từng đoạt giải Nhất Cuộc thi phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế năm 2022, giải Nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Nam năm 2021.
Thiết thực hỗ trợ
Từ năm 2021 đến nay, có khoảng 400 trên tổng số gần 1.000 doanh nghiệp, công ty tại Hội An do phụ nữ làm chủ. Ngoài kết nối các nguồn vốn vay ưu đãi, Hội LHPN thành phố còn thành lập quỹ khởi nghiệp và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.
Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN TP.Hội An đã triển khai 100% cơ sở hội tham gia cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; gửi về tỉnh 15 đề tài khởi nghiệp, có 3 đề tài đạt giải khuyến khích, 2 đề tài được công nhận.
Nhiều phiên chợ “Kết nối sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp”; diễn đàn “Phụ nữ Hội An khởi nghiệp sáng tạo với mô hình workshop”; trưng bày, giới thiệu, cung ứng sản phẩm đến từ các xã, phường với hàng trăm sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm sạch, sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp… đã được tổ chức.
Hội LHPN thành phố cũng đã hỗ trợ vay vốn sinh kế cho 59 hội viên với tổng nguồn vốn hơn 1,1 tỷ đồng, hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho 17 hội viên khó khăn …
Theo bà Ngô Thị Tuyết Nhung – Chủ tịch Hội LHPN TP.Hội An, những hoạt động do Hội LHPN thành phố tổ chức đã chia sẻ đến toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ về chủ trương khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường; nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời đổi mới, khơi dậy khí thế, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, khát vọng vươn lên của phụ nữ địa phương.
“Đối với TP.Hội An, có thể nói trên lĩnh vực phụ nữ khởi nghiệp có nét riêng so với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Bởi vì Hội An là một thành phố du lịch, vì thế ngay từ đầu triển khai phát động khởi nghiệp, hội đã xác định vận động phụ nữ làm sao phát huy được tiềm năng bản địa để cho ra các sản phẩm phục vụ du khách và người dân” – bà Nhung nói.
Ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh cho rằng, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo TP.Hội An đã biết phát huy lợi thế truyền thống bản địa và nền tảng giá trị văn hóa của mình để xúc tiến nhiều dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, Hội LHPN TP.Hội An tổ chức những diễn đàn mà tại đó đã kết nối, chia sẻ khá mạnh mẽ về ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo. Hội An cũng là địa phương tổ chức nhiều diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo có tầm vóc quốc gia với sự tham gia của các tổ chức quốc tế.