Cần thêm kinh phí phát triển kinh tế vườn
Từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2026 đến nay, HĐND tỉnh ban hành 403 nghị quyết ở các lĩnh vực, đặc biệt là cơ chế, chính sách phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội miền núi.
Theo ông Phạm Văn Đốc – Bí thư Huyện ủy Tiên Phước, mỗi năm tỉnh phân bổ 50 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết 35/2021 của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 – 2025.
Năm 2023, Tiên Phước được cấp 6 tỷ đồng và giải ngân hiệu quả. Sau đó được cấp thêm 3 tỷ đồng do các địa phương không giải ngân được phải chuyển nguồn.
Tuy nhiên năm 2024, Tiên Phước chỉ được cấp 3,5 tỷ đồng, trong khi nhu cầu phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại của người dân rất lớn. Tiên Phước cũng là địa phương chủ lực trong việc phát triển kinh tế vườn của tỉnh, nhất là các loại cây măng cụt, cam, lòn bon…
“Thời gian đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 35, các địa phương lúng túng nên tỷ lệ giải ngân thấp. Song từ năm 2023, khó khăn, vướng mắc dần được tháo gỡ, các địa phương triển khai tích cực và người dân đăng ký tham gia nhiều. Do đó, đề nghị tăng nguồn kinh phí thực hiện nghị quyết, nhằm phát huy hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân” – ông Đốc kiến nghị.
Thảo luận về nội dung này, ông Đặng Tấn Phương – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh cho biết, năm 2022, toàn tỉnh chỉ giải ngân 30/50 tỷ đồng kinh phí thực hiện Nghị quyết 35. Riêng năm 2024, nguồn kinh phí phân bổ là 50 tỷ đồng đã giải ngân 100%. Qua giám sát của HĐND tỉnh, nhu cầu của người dân, nhất là khu vực miền núi khá cao, song nguồn lực phân bổ về huyện triển khai thực hiện nghị quyết có hạn.
“Kinh phí thực hiện mỗi năm là 50 tỷ đồng, song tùy vào tình hình thực hiện, nhu cầu người dân mà UBND tỉnh có thể xem xét, bố trí thêm kinh phí. Bởi nghị quyết này rất hiệu quả trong việc giúp người dân miền núi phát huy thế mạnh tài nguyên đất đai, khí hậu và thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến giảm nghèo bền vững; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp lên miền núi đầu tư” – ông Phương nói.
Kết quả rà soát của các địa phương miền núi qua 3 năm triển khai Nghị quyết 35 ghi nhận, người dân vẫn ngại tiếp cận cơ chế hỗ trợ do không đủ năng lực thực hiện các thủ tục, hồ sơ vốn rất phức tạp, nhất là các chứng từ về thanh quyết toán. Nhiều hộ dân đăng ký thực hiện mô hình kinh tế trang trại trên đất rừng sản xuất được quy hoạch 3 loại rừng, nhưng việc làm thủ tục chuyển đổi từ đất rừng sản xuất sang đất trồng cây lâu năm rất phức tạp.
Tại Kỳ họp thứ 28 HĐND tỉnh vừa qua, các đại biểu có ý kiến nên ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện Nghị quyết 35 cho các địa phương giải ngân tốt, người dân thực hiện hiệu quả nhằm tạo sự lan tỏa, phát triển các loại cây chủ lực. Giai đoạn tiếp theo, các địa phương khác có sự chuyển biến trong phát triển kinh tế vườn, trang trại thì bổ sung kinh phí thực hiện sau.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng chính sách ban hành rất nhiều, nguồn lực bố trí khá lớn; tuy nhiên việc triển khai nhiều chính sách chưa hiệu quả, thậm chí nhiều chính sách đã ban hành nhiều năm nhưng vẫn chưa đi vào thực tiễn, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh cần rà soát lại các chính sách đã ban hành trong giai đoạn 2021 – 2025.
Bởi, 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, năm cuối của kỳ trung hạn của chính sách đã ban hành, do đó cần thiết phải đánh giá tính hiệu quả. Đặc biệt, tập trung rà soát chính sách hỗ trợ giảm nghèo, kinh tế hợp tác xã, xây dựng nông thôn mới, khởi nghiệp, OCOP…”.
Rà soát, đánh giá tính hiệu quả
Tại hội nghị giao ban công tác HĐND mới đây, các địa phương đánh giá, nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành đã kịp thời cụ thể hóa nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể chế hóa các chủ trương của Tỉnh ủy trên các lĩnh vực, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.
Đáng chú ý, HĐND tỉnh chú trọng ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo kết quả rà soát, có 42 nghị quyết còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và có 8 nghị quyết chưa được tỉnh phân bổ kinh phí. Đơn cử như việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025. Các đối tượng thụ hưởng khó tiếp cận với cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng do gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách đối với thủ tục giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Điều kiện hỗ trợ yêu cầu còn quá cao, nhất là các đối tượng ở khu vực miền núi cao khó tiếp cận được, trình độ năng lực cán bộ quản lý, lao động có trình độ chuyên môn, nguồn vốn, quỹ đất… không đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ theo quy định.
Hay đối với việc thực hiện Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025, nhiều địa phương không giải ngân được nguồn kinh phí hỗ trợ.
Trong khi đó, Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh Quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 – 2025, hiện nay diện tích đất canh tác của các hộ dân miền núi đa phần manh mún, nhỏ lẻ, nhất là địa bàn các xã vùng cao thường xuyên ảnh hưởng bởi sạt lở. Do đó, việc áp dụng diện tích được hỗ trợ tối thiểu 1ha/hộ trồng dược liệu theo nghị quyết là khó thực hiện được.
Nhìn nhận những vấn đề vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết đã ban hành, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng nói, HĐND tỉnh tiếp tục tập trung xem xét, quyết định những chính sách có tác động đến phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân, phù hợp tình hình thực tiễn địa phương.
Trong đó, chú trọng đến tác động ảnh hưởng của chính sách và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương để quyết định cơ chế tài chính phù hợp, đảm bảo nghị quyết được ban hành có tính khả thi cao, có sức lan tỏa rộng nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương… Đồng thời, tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành.
Bế mạc Kỳ họp thứ 28, HĐND tỉnh khóa X: Thông qua 26 Nghị quyết
Ngoài 2 nghị quyết về công tác nhân sự, tại Kỳ họp thứ 28 vừa qua, HĐND tỉnh (khóa X) đã thông qua 24 nghị quyết về kinh tế – xã hội, trong đó có rất nhiều nghị quyết quan trong như:
Phê chuẩn quyết toán thu, chi ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Nam năm 2023. Dự toán thu, chi và phương án phân bổ ngân sách địa phương năm 2025. Kế hoạch đầu tư công năm 2025. Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Quy định chế độ ưu đãi miễn tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư. Quy định chế độ chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thực hiện. Quy định mức chi hỗ trợ các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.
Quy định cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Giao số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với 17 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam năm 2025. Giao biên chế công chức; số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Nam năm 2025.
Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Quảng Nam. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh Quảng Nam quy định nội dung và mức hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023-2025.
Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Danh mục dự án thu hồi đất năm 2025. Tán thành chủ trương thành lập thị trấn Tak Pỏ, thuộc huyện Nam Trà My; thành lập thị trấn Atiêng thuộc huyện Tây Giang; mở rộng địa giới hành chính thị trấn Hương An thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Đổi tên các khối phố thuộc phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thuc-hien-nghi-quyet-hdnd-tinh-quang-nam-khoa-x-danh-gia-hieu-qua-co-cau-lai-kinh-phi-3145531.html