Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, theo thiết kế cầu vượt đường sắt xây dựng có quy mô vĩnh cửu bằng thép, bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cấp công trình cầu cấp III, hình thức giao cắt khác mức. Mặt cắt ngang cầu vượt rộng 12m; chiều cao tĩnh không tối thiểu vượt đường sắt hơn 6m. Tổng chiều dài cầu tính đến đuôi mố 167,14m.
Về đường dẫn đầu cầu, phía mố M1 bố trí tường chắn có chiều dài 117,2m; phía mố M2 bố trí tường chắn có chiều dài 114,78m. Đường gom hai bên tường chắn có bề rộng 5,4m và 3,5m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn đầu cầu 399,12m.
Một số người dân bị ảnh hưởng bởi dự án tại xã Bình Quý kiến nghị không xây dựng cầu vượt đường sắt, mà chỉ mở rộng đường bộ qua đường sắt (nút giao đồng mức).
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư giải thích, cầu vượt đường sắt tại km15+615,32 tuyến quốc lộ 14E là cầu đường bộ cấp III cùng với cấp đường đoạn từ km15+270-km16+054. Do đó, theo Khoản 2, 3 của Điều 17 Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, đường sắt giao nhau với đường bộ phải xây dựng nút giao khác mức trong các trường hợp sau đây: Đường sắt có tốc độ thiết kế từ 100km/h trở lên giao nhau với đường bộ; đường sắt giao nhau với đường bộ từ cấp III trở lên; đường sắt giao nhau với đường bộ đô thị; đường sắt đô thị giao nhau với đường bộ, trừ đường xe điện bánh sắt.
[VIDEO] – Hiện trạng nút giao đường sắt với quốc lộ 14E:
Theo Luật Đường sắt, chủ đầu tư xây dựng đường sắt mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 17; chủ đầu tư xây dựng đường bộ mới phải chịu trách nhiệm xây dựng nút giao khác mức theo quy định tại Khoản 2 của điều này.
Vì vậy, việc xây dựng cầu vượt đường sắt là bắt buộc khi thực hiện nâng cấp, cải tạo quốc lộ 14E. Hơn nữa, cầu vượt đường sắt sẽ thay thế cho các đường cắt ngang đồng mức. Từ đây, tránh giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông giữa đường bộ với đường sắt, phát huy hiệu quả tốc độ tàu chạy và phương tiện tham gia giao thông trên đường bộ. Tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa cả đường bộ và đường sắt, phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh – quốc phòng.
Ông Quế Hải Trung – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) chia sẻ, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E được thực hiện bằng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, cầu vượt đường sắt không thể thay đổi về phương án đầu tư. Nếu năm 2025, cầu vượt này làm không xong thì Bộ GTVT sẽ rút vốn.
Theo nhà chuyên môn, cầu vượt sẽ tác động, xáo trộn đến người dân đang ở cạnh đó. Tuy nhiên, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng, như phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo an toàn giao thông cho đường bộ và cả đường sắt.
Nếu không làm cầu vượt, nhà dân ở cạnh đường sắt về lâu dài bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi, tiếng ồn khi mà các phương tiện, nhất là xe tải, xe khách lưu thông trên tuyến quốc lộ 14E ngày càng gia tăng. Người dân đi làm mất nhiều thời gian chờ tàu đi qua. Chưa kể, người bị bệnh nặng đang chở đi cấp cứu đến đó phải dừng nếu tàu đang chạy, bỏ lỡ thời cơ vàng được cứu sống.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/xay-cau-vuot-duong-sat-tren-quoc-lo-14e-dam-bao-an-toan-giao-thong-cho-ca-duong-bo-lan-duong-sat-3144045.html