Huyện Nam Trà My được tái lập từ năm 2003, trên cơ sở tách từ huyện Trà My cũ. Diện tích tự nhiên của huyện hơn 82.546ha, có 10 xã với 35 thôn. Dân số 34.906 người, gồm 3 thành phần dân tộc sinh sống, chủ yếu là người Ca Dong, Xơ Đăng, Mnông.
Thời gian qua, từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm cao, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đời sống đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My được nâng lên rõ rệt.
Giai đoạn 2019 – 2023 có 374 công trình được đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 879 tỷ đồng, tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ sở hạ tầng của địa phương. Hiện nay, Nam Trà My có 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới, toàn huyện đạt trung bình đạt 10,7 tiêu chí/xã.
Tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phân bổ cho huyện Nam Trà My giai đoạn 2022 – 2024 hơn 261,7 tỷ đồng. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển nhiều mô hình kinh tế, chủ yếu là phát triển sâm Ngọc Linh, dược liệu và chăn nuôi.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025 giảm từ 54,69% đầu năm 2022 xuống còn 36,3% cuối năm 2023. Cụ thể giảm 1.366 hộ nghèo, bình quân giảm 9,2%/năm, vượt 3 lần so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy.
Dù đạt nhiều kết quả, song công tác dân tộc ở Nam Trà My vẫn còn một số hạn chế như: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng dân tộc và miền núi tuy chuyển biến nhưng còn chậm; phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp chưa thực sự tương xứng với tiềm năng của vùng; việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn vẫn còn khó khăn nhất định; tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My lần thứ IV là dịp để huyện biểu dương thành tích; đồng thời nhìn nhận tồn tại và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong những năm tới.