Phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Đến Bắc Trà My hôm nay, về từng thôn bản đã thấy sự đổi thay trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Sống chủ yếu dựa vào nông – lâm nghiệp, đồng bào DTTS nơi đây đã từng bước ổn định, phát triển cùng với sự đi lên của địa phương.
Huyện ủy Bắc Trà My ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm xây dựng hệ thống chính trị, định hướng phát triển kinh tế – xã hội.
Trong đó, rà soát, quy hoạch và bố trí đội ngũ cán bộ chủ chốt có uy tín, đủ tiêu chuẩn vào bộ máy của chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội để lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng đến người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn.
Bắc Trà My đã tranh thủ nguồn lực từ các chính sách của Trung ương, tỉnh thực hiện trên địa bàn huyện để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, xây dựng, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, phát triển các sản phẩm OCOP trong nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho biết: “Bằng nhiều chính sách, cơ chế đầu tư, đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở vùng đồng bào DTTS huyện cơ bản ổn định, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất nông – lâm nghiệp là chính nhưng đã kết nối tiêu thụ sản phẩm, phát triển theo hướng hàng hóa.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm từng bước hoàn thiện và cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh. Ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc được đồng bào các dân tộc quan tâm giữ gìn và phát huy. Đã có nhiều hộ gia đình DTTS mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình và vươn lên thoát nghèo”.
Tập trung nguồn lực đầu tư
Trên địa bàn huyện Bắc Trà My đang được đầu tư tổng lực từ các chương trình để phát triển miền núi. Giai đoạn 2021 – 2024, địa phương có tổng nguồn vốn chương trình giảm nghèo bền vững hơn 223,9 tỷ đồng, nông thôn mới hơn 612 tỷ đồng, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 200 tỷ đồng.
Ông Thái Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, nguồn lực phát triển địa phương được lồng ghép, đầu tư từ sinh kế cho nhân dân, tái định cư, đến hoàn thiện hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế, văn hóa…
Người dân đã có ý thức chủ động chỉnh trang, xây dựng nhà cửa, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất… Qua đó, góp phần giúp cho các địa phương thực hiện đạt được những mục tiêu trong nâng cao đời sống ở vùng đồng bào DTTS.
Sau giảm nghèo bền vững là xây dựng đời sống mới, đến nay đã có 3/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã nào đạt dưới 12 tiêu chí.
Các chính sách như vay vốn cho hộ nghèo đồng bào DTTS, hỗ trợ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế… được huyện thực hiện đầy đủ, từng bước nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào DTTS của huyện.
Theo ông ALăng Mai – Trưởng ban Dân tộc tỉnh, Bắc Trà My là địa phương miền núi có các thành phần DTTS đa dạng nhất của tỉnh. Sự giao thoa góp phần làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc ở nơi đây. Đời sống đồng bào DTTS nói chung và đồng bào ở huyện Bắc Trà My nói riêng đã được quan tâm bằng các chính sách của Đảng và Nhà nước nên từng bước được nâng lên rõ rệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân sẽ thành vũ khí sắc bén nhất để chống lại các luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch. Vì thế, đại hội là dịp để tôn vinh, khẳng định vai trò của đồng bào các DTTS trong sự phát triển của quê hương. Từ đó tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân của từng vùng, từng miền để thi đua, phát huy trí tuệ cùng khắc phục khó khăn, đóng góp vào sự phát triển chung.
Huyện Bắc Trà My có tổng dân số 48.488 người (11.612 hộ), trong đó có 26.813 người DTTS (6.345 hộ) với 27 thành phần dân tộc, bao gồm Xê Đăng (Ca Dong) 40,2%, Co 11,24%, Mơ Nông 1,83 %, và dân tộc thiểu số khác chiếm 2,02% (Thái, Tày, Nùng, Mường, Hre, Cơ Tu, Chăm…). Trong đó, các dân tộc Xê Đăng (Ca Dong), Co, Mơ Nông là người bản địa.
Địa hình cư trú của đồng bào DTTS chủ yếu tập trung ở 10 xã Trà Ka, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang, Trà Nú, Trà Kót.