Mô hình Chùa Cầu được chế tác với tỷ lệ 1/10 so với công trình nguyên bản, quy mô kích thước tổng thể bề ngang 2m, bề rộng 1,6m và cao 0,7m. Toàn bộ vật liệu làm mô hình Chùa Cầu bằng gỗ thông phổ biến và có giá trị ở Nhật Bản.
Thông qua mô hình, di tích Chùa Cầu được mô phỏng một cách đầy đủ, chính xác từ kiến trúc tổng thể đến từng chi tiết của hệ kết cấu khung gỗ kiểu trính chồng trụ đội; mái ngói, trang trí bờ mái; hoa văn con giống; con ke, hoành liễn tạo thành tác phẩm thủ công có kỹ thuật sắc sảo, giá trị mỹ thuật cao.
Bên cạnh đó, mô hình Chùa Cầu còn được thiết kế và gia công theo kiểu tách lớp tại một số vị trí nhằm giúp người xem có thể thấy được các bộ phận, kết cấu bên trong để hiểu thêm về kiến trúc đặc sắc của Chùa Cầu. Ngoài ra, mô hình có thể dễ dàng tháo ráp tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển cũng như quá trình bảo dưỡng lâu dài.
Sau khi tiếp nhận, hoàn thành việc lắp ráp, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã đầu tư trang trí thêm các chi tiết hoành phi liễn đối, khám thờ, nội thất ở bên trong mô hình Chùa Cầu.
Mô hình Chùa Cầu của Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế – Đại học Nữ Chiêu Hòa tặng đã tạo thêm điểm nhấn tại Bảo tàng Hội An để phục vụ nhu cầu tham quan của người dân và du khách. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu về giá trị, ý nghĩa của di tích Chùa Cầu và mối quan hệ giao lưu giữa Hội An – Nhật Bản trong quá khứ, tình hữu nghị thủy chung giữa Hội An, Việt Nam và Nhật Bản.
Tại lễ tiếp nhận, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho ông Sugano Yuichi – Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và bà Shima Sonoko – Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa quốc tế – Đại học Nữ Chiêu Hòa vì đã có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-hoc-nu-chieu-hoa-nhat-ban-tang-hoi-an-mo-hinh-chua-cau-3139009.html