Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có ông Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Quảng Nam; ông Vương Quốc Thắng – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng đại diện các sở, ban, ngành, Thành ủy, UBND TP.Tam Kỳ và 200 cử tri là cán bộ, công nhân lao động (CBCNLĐ) của tỉnh.
Cần giữ nguồn thu kinh phí công đoàn
Ông Phan Xuân Quang – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, hội nghị này được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để ĐBQH tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân, lao động về việc làm, thu nhập, đời sống cũng như góp phần xây dựng chính sách, pháp luật đảm bảo khả thi, sát thực tế. Đồng thời để ĐBQH tổng hợp và phản ánh ý kiến với Quốc hội, các cơ quan, đơn vị liên quan.
Ông Quang yêu cầu đoàn viên, công nhân lao động phản ánh thực tiễn đời sống, việc làm và tâm tư, nguyện vọng; nêu ý kiến góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động được Quốc hội xem xét, cho ý kiến (hoặc thông qua) tại kỳ họp thứ 8 sắp đến, trọng tâm là dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)…
Về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), nhiều ý kiến cử tri là CBCNLĐ cho rằng nguồn thu kinh phí công đoàn 2% rất quan trọng để đảm bảo hoạt động. Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Domex Quảng Nam, kinh phí công đoàn là nguồn thu quan trọng để tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động, trong bối cảnh Ngân sách nhà nước còn khó khăn và để công đoàn chủ động, độc lập trong hoạt động. Vì vậy, Luật Công đoàn (sửa đổi) cần giữ nguồn thu 2% như trước đây. Đồng thời cần có chế tài xử phạt nặng đối với các doanh nghiệp nợ kinh phí công đoàn. Thực tế kinh phí công đoàn tại các doanh nghiệp lớn nếu đóng chậm 1 tháng số tiền đã hơn 1 tỷ đồng.
Đảm bảo quyền lợi người lao động
Nhiều ý kiến của CBCNLĐ liên quan đến quyền lợi người lao động. Thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy vẫn còn một bộ phận người lao động bị treo quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Đá Chu Lai cho rằng, đoàn viên, người lao động mong muốn được Nhà nước hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHTN để người lao động được hưởng quyền lợi về BHTN đúng quy định, đảm bảo cuộc sống, phát triển việc làm mới.
Bà Hà viện dẫn khoản 2, Điều 86 dự thảo Luật Việc làm quy định chậm đóng, trốn đóng BHTN và biện pháp xử lý vi phạm: “Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ BHTN thuộc trách nhiệm đóng BHTN của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan BHXH để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ BHTN. Khi cơ quan BHXH thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng BHTN của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.
Nội dung này đề xuất cơ quan BHXH có trách nhiệm trích từ Quỹ BHXH đóng đủ để người lao động được hưởng chế độ sớm nhất, hoặc trích từ Quỹ BHTN. Sau đó BHXH có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng để trả lại vào Quỹ BHXH. Không nên tăng trách nhiệm về phía người lao động.
Ngoài ra, còn có một số ý kiến về biên chế cơ quan công đoàn cấp huyện, về mức lương tối thiểu vùng, về một số tồn tại trong đấu thầu thuốc, khám chữa bệnh, cơ sở hạ tầng, nhà ở xã hội…
Phản hồi ý kiến cử tri liên quan đến địa phương, ông Đỗ Văn Minh – Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, về hệ thống đường điện chiếu sáng từ quốc lộ 1A đến Khu công nghiệp Tam Thăng, tỉnh đã có chỉ đạo đơn vị liên quan thực hiện, kết hợp bố trí đèn tín hiệu giao thông.
Về chợ Tam Thăng, UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV hạ tầng Chu Lai làm chủ đầu tư, có quỹ đất làm chợ, đã lập phương án đền bù, song còn vướng về cấp “bìa đỏ” và giá quỹ đất này. Vì liên quan Luật Đất đai mới nên UBND thành phố có kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc trên.
Đối với các dự án nhà ở xã hội, khả thi nhất là 2 khu ở xã Tam Phú 2ha, đang chờ UBND tỉnh có chủ trương; khu Trường Xuân có 7,5ha đã trình nhưng vướng về Luật Nhà ở (sửa đổi) nên chưa tiến hành được.
Ông Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Quảng Nam hoan nghênh các ý kiến đóng góp của CBCNLĐ tại hội nghị và trực tiếp trả lời một số ý kiến.
Theo ông Phước, về 2% kinh phí công đoàn đã được tiếp thu tại dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Các ĐBQH đề xuất đưa 2% vào dự thảo luật để đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên, người lao động. Cạnh đó, Chính phủ sẽ quy định về kinh phí cho tổ chức khác đại diện người lao động.
Về việc tỉnh Quảng Nam vướng đấu giá thuốc, vật tư y tế, trong khi các tỉnh, thành khác thực hiện tốt nội dung này, ĐBQH sẽ có ý kiến để thúc đẩy, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho nhân dân.
Về thủ tục hưởng tai nạn lao động, đề nghị BHXH tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam đơn giản hóa thủ tục để bảo đảm quyền lợi cho đoàn viên, CBCNLĐ. Các vấn đề khác được cử tri phản ánh tại hội nghị, Đoàn ĐBQH Quảng Nam ghi nhận, đề nghị các cơ quan đơn vị liên quan giải quyết.
Tại hội nghị, lãnh đạo Đoàn ĐBQH tỉnh đã trao 20 suất quà của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dành cho CBCNLĐ khó khăn, mỗi suất gồm 2 triệu đồng và quà. LĐLĐ Quảng Nam cũng trao 107 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho CBCNLĐ khó khăn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/dai-bieu-quoc-hoi-lang-nghe-y-kien-cua-nguoi-lao-dong-3142782.html