Hiệu quả và nhân rộng
Thành tích hoạt động của Tổ tự quản về an ninh trật tự thôn An Thiện (xã Tam An, Phú Ninh) ngày càng dày thêm qua gần 20 năm thành lập. Với phương châm “tự nguyện, tự giác, tự quản, tự phòng và tự bảo vệ”, tổ tự quản tham gia tuần tra đêm cùng lực lượng công an xã; phối hợp làm tốt công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, cung cấp thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm sâu rộng đến nhân dân trong thôn.
Ngoài nhiệm vụ trực sẵn sàng phối hợp trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, tổ tự quản còn là lực lượng xung kích đặc biệt của thôn vào mỗi mùa mưa bão.
Thành viên của tổ giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, sơ tán đến nơi an toàn, cứu hộ, tiếp tế lương thực, nước uống cho các gia đình bị nước cô lập. Từ hiệu quả hoạt động của Tổ tự quản về an ninh trật tự của thôn An Thiện, mô hình này đã được nhân rộng ra 4 thôn trên địa bàn xã.
Theo ông Bùi Thanh Thọ – Bí thư Chi bộ thôn An Thiện, Tổ tự quản về an ninh trật tự thôn An Thiện được thành lập vào năm 2005, sau khi chi bộ thảo luận, thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng mô hình “Dân vận khéo” gắn với đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn thôn.
Đến nay, tổ tự quản quy tụ 45 thành viên độ tuổi từ 30 – 60; trong đó có 8 đảng viên đang sinh hoạt tại chi bộ. Hằng tháng, chi bộ đưa nội dung đánh giá kết quả hoạt động của tổ tự quản vào sinh hoạt định kỳ.
“Hiệu quả hoạt động của tổ tự quản góp phần thực hiện tiêu chí số 9 trong xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Chi bộ thôn An Thiện đã phát hiện, kèm cặp, giới thiệu các thành viên ưu tú của tổ tự quản để kết nạp vào Đảng” – ông Thọ chia sẻ.
Phong trào “Dân vận khéo”, mô hình “Tự quản” cũng là điểm sáng trong công tác dân vận trên địa bàn TP.Tam Kỳ, với việc duy trì khoảng 300 mô hình ở hầu khắp các lĩnh vực; đều gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bí thư Thành ủy Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan chia sẻ, có rất nhiều mô hình vừa xuất hiện đã được lòng dân rất cao vì xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và chính nhân dân đề xuất xây dựng, chung tay triển khai.
Một trong số đó có thể kể đến Tổ tự quản “5 trong 1” tại xã Tam Thăng (đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng ngừa dịch bệnh, phòng chống thiên tai, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng) ra mắt đầu tiên ở thôn Kim Đới vào tháng 3/2022.
Đến cuối năm mô hình đã lan tỏa ra 8/8 thôn của xã và nhân rộng ra 100% thôn của các xã Tam Phú, Tam Thanh vào năm 2023. “Đây là mô hình tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam trong thời điểm hiện tại.
TP.Tam Kỳ cũng xuất sắc được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen 10 năm thực hiện phong trào “Hai giữ về an ninh trật tự” (2013 – 2023). Công tác dân vận chính quyền nói riêng và công tác dân vận nói chung của thành phố đứng đầu cả tỉnh trong 3 năm qua (2020 – 2023)” – bà Lan cho hay.
Tạo hiệu ứng lan tỏa, củng cố niềm tin
Đối với Quảng Nam, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009 – 2024, việc xây dựng các mô hình được triển khai rộng khắp trên các lĩnh vực, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia. Kết quả, toàn tỉnh đã xây dựng được 6.540 mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
Trong xây dựng hệ thống chính trị, Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, toàn tỉnh đã xây dựng được 564 mô hình. Các mô hình trên lĩnh vực này tập trung vào việc đề ra các giải pháp xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng đạo đức công vụ, đổi mới công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong nhân dân…
Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả và tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Điển hình như mô hình “Đảng viên phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới” của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; “Sinh hoạt ngày thứ Sáu trong dân” của Hội Nông dân huyện Tiên Phước; “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” ở xã Bình Minh (Thăng Bình); “Công sở chính quyền thân thiện vì nhân dân phục vụ” ở huyện Hiệp Đức…
Lĩnh vực văn hóa – xã hội đã xây dựng được nhiều mô hình “Dân vận khéo” nhất, với 3.391 mô hình được đánh giá, công nhận. Các mô hình được xây dựng trên lĩnh vực này đều gắn với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do các cấp, ngành phát động.
Trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội hóa cao, hiệu ứng xã hội tích cực, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng nếp sống văn minh trong các tầng lớp nhân dân.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung đánh giá, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia. Từ đó tạo hiệu ứng xã hội tích cực, từng bước đi vào đời sống, lan tỏa trong cộng đồng…
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các cấp ủy đã lồng ghép tổ chức 793 hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” với công tác dân vận; biểu dương, khen thưởng 1.360 mô hình. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức 2 đợt tổng kết (5 năm, 15 năm); Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức 2 đợt sơ kết, tổng kết (2 năm, 10 năm) và tuyên dương, khen thưởng 185 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/cung-co-vung-chac-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-3142741.html