Chậm, vướng đủ đường
Ông Phạm Thế Hải – cử tri xã Tiên An, Tiên Phước cho biết, giai đoạn 2009 – 2015, trên địa bàn xã có 165 hộ dân sống trong khu vực nguy cơ sạt lở, lũ quét được di dời về khu tái định cư trên địa bàn. Song đến nay mới khoảng 50% được cấp sổ đỏ, còn lại thì vẫn vướng. Người dân đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Tại Tiên Lộc, hơn 25 năm tái định cư do sạt lở đất, đến nay người dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Ông Nguyễn Văn An nói người dân mong chính quyền sớm tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
Cấp sổ đỏ thì vướng, còn việc sửa, đổi sổ hay dân có nhu cầu tách thửa cũng rắc rối không kém.
Ông Bùi Đức Tình – ở thôn 2, xã Tiên Lộc, Tiên Phước nói ông là người đã hiến đất làm đường đã hơn 20 năm nay nhưng việc điều chỉnh biến động đất quá chậm, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục đất đai của gia đình ông.
Còn bà Phan Thị Thành – ở thôn 2, xã Tiên Lộc cho biết, gia đình có 1ha đất vườn, có sổ đỏ, trích lục và không tranh chấp. Gia đình bà đông con cái, muốn chuyển mục đích sử dụng đất và tách thửa để con cái có điều kiện dựng nhà, song đã nhiều năm nay địa phương chưa giải quyết hồ sơ cho gia đình.
“Thủ tục đất đai quá rườm rà dù đã… chuyển đổi số. Có CCCD vẫn yêu cầu CMND. Thậm chí yêu cầu yêu cả sổ hộ khẩu (dù công an xã đã thu lại sau khi làm CCCD) hoặc yêu cầu giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đối với những người lớn tuổi. Người dân muốn làm phải chạy từ xã lên huyện, rồi huyện ngược về lại xã giải quyết nhưng mãi vẫn không xong. Bất lực đành phải nhờ “dịch vụ” làm giúp nhưng chi phí lại rất cao” – ông Nguyễn Đức (thôn Khánh Thịnh, xã Tam Thái, Phú Ninh) phản ánh.
Cấp huyện cần vào cuộc quyết liệt
Ông Đoàn Văn Công – Trưởng phòng TN-MT huyện Tiên Phước cho biết, việc chậm trễ cấp sổ đỏ cho người dân trong các khu tái định cư thuộc các xã Tiên Lộc, Tiên An và thị trấn Tiên Kỳ do hồ sơ đã thất lạc. Nếu người dân muốn làm sổ đỏ thì phải thu phí. Song việc di dời người dân bị ảnh hưởng thiên tai theo chủ trương của tỉnh thì sẽ không thu phí. Để gỡ vướng mắc này, Thanh tra huyện đang vào cuộc kiểm tra, xác minh. Khi có kết luận thì huyện sẽ thực hiện các thủ tục cấp sổ đỏ theo hướng dẫn của Sở TN-MT.
[VIDEO] – Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu kiểm soát chặt chẽ vấn đề đất đai tại địa phương:
“Nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trong nhân dân là có. Song chỉ những khu vực quy hoạch đất ở mới được phép chuyển đổi. Còn lại phải xét theo nhu cầu, bức xúc thực tế ở hộ dân và phải trình UBND tỉnh xem xét. Điều này tránh trường hợp người dân chuyển mục đích để kinh doanh, dẫn đến khó quản lý. Thời gian tới, huyện sẽ kiểm tra thực tế để có hướng dẫn cụ thể, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các hộ dân”- ông Công cho hay.
Theo ông Trần Văn Cư – Phó Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam, việc cấp sổ đỏ lần đầu thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện và cần sự vào cuộc của các cơ quan, địa phương liên quan. Cụ thể, UBND cấp xã sẽ xác minh rõ nguồn gốc đất, sau đó gửi về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện làm hồ sơ. Hồ sơ này sẽ được Phòng TN-MT huyện thẩm định trước khi trình lãnh đạo UBND huyện ký. Người dân cần kiểm tra hồ sơ đang vướng mắc ở đâu để liên hệ cấp thẩm quyền đó giải quyết. Chẳng hạn, trường hợp hiến đất nhưng chưa được điều chỉnh biến động đất thì người dân liên hệ UBND cấp xã hoặc Phòng TN-MT huyện.
“Nếu người dân có thắc mắc nào liên quan đến thủ tục đất đai có thể liên hệ Phòng tiếp công (thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam) hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện để được giải đáp” – ông Cư cho hay.
[VIDEO] – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng có “dịch vụ” mới làm nhanh hồ sơ đất đai:
Hiện nay 60-70% các vụ khiếu kiện trong nhân dân là liên quan đến đất đai. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng nói, rất trăn trở khi nghe người dân phản ánh việc làm thủ tục đất đai phải chạy từ xã lên huyện, rồi từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai qua Phòng TN-MT rất nhiều lần. Song câu trả lời cho người dân lại rất nửa vời, nhiêu khê. Điều này cần phải chấn chỉnh.
Phòng TN-MT huyện và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện phải phân định rõ trách nhiệm. Chủ tịch UBND cấp huyện phải vào cuộc, quan tâm, giải quyết những vướng mắc về thủ tục đất đai cho người dân.
Hiện nay nảy sinh việc có “dịch vụ” thì làm thủ tục đất mới nhanh. Lãnh đạo huyện phải kiểm tra, chấn chỉnh, cương quyết xử lý tình trạng này để không gây phiền hà cho dân.
Đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam