Theo báo cáo tại hội nghị, qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 37 ngày 18/1/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức CT-XH từ huyện đến cơ sở tại Hiệp Đức đã dần đi vào nền nếp. Số cuộc giám sát chưa nhiều nhưng nội dung, phương thức thực hiện ngày càng chặt chẽ, trọng tâm.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, ở cấp huyện đã tổ chức 22 cuộc giám sát chuyên đề và 10 cuộc giám sát qua văn bản. Ở cấp xã đã tổ chức 87 cuộc giám sát chuyên đề với các nội dung liên quan đến các lĩnh vực.
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác giám sát và phản biện xã hội. Đó là việc chỉ đạo định hướng, xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời, trùng lắp về nội dung, đối tượng. Chất lượng giám sát chưa cao, có nơi còn mang tính hình thức.
Sau giám sát, chưa báo cáo kịp thời hoặc các kiến nghị, đề xuất sau giám sát chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị chưa quyết liệt. Nội dung giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên chưa được nhiều, hầu như cấp xã, thị trấn chưa thực hiện được.
Bà Trần Thị Hằng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, qua hội nghị đã phân tích, làm rõ về những hạn chế và đề ra các giải pháp, cách làm nhằm phát huy vai trò, hiệu quả công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức CT-XH các cấp trong thời gian đến.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/cong-tac-giam-sat-cua-mat-tran-va-cac-to-chuc-chinh-tri-xa-hoi-tai-hiep-duc-dan-di-vao-nen-nep-3143830.html