Hiệu quả bước đầu
Xây dựng chính quyền số là bước đầu quyết định sự thành bại trong chuyển đổi số khu vực hành chính, phục vụ nhân dân. Theo UBND huyện Nam Trà My, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn hiện nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị, UBND cấp xã. Theo đó, tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức cấp huyện đạt 100% và cấp xã đạt 95%.
Các xã trên địa bàn huyện đã trang bị hệ thống hạ tầng mạng, wifi tốc độ tương đối phục vụ cho việc khai thác, ứng dụng CNTT. Đến nay, có 26/35 thôn trên địa bàn huyện có sóng 3G/4G (74%); 100% khu trung tâm hành chính, trạm y tế xã, 25/29 trường học trên địa bàn huyện có Internet cáp quang (86%). Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối liên thông 4 cấp (trung ương – tỉnh – huyện – xã).
Các nhà mạng đã đầu tư 45 trạm phát sóng (30 trạm Viettel, 13 trạm VNPT, 2 trạm MobiFone) trên địa bàn huyện, phủ sóng đảm bảo ở 10/10 xã. Trên cơ sở đó, Nam Trà My đã triển khai lắp đặt hệ thống wifi cộng đồng ở 31/35 thôn, 40 cụm phát thanh IP (truyền thanh không dây) tại 4 xã Trà Vân, Trà Tập, Trà Leng, Trà Nam, 35/35 thôn có tổ công nghệ cộng đồng.
Đối với kinh tế số, bước đầu đã mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn huyện.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Huỳnh Sâm cho biết: “Công nghệ số đối với việc kinh doanh của công ty có hiệu quả cao, nhất là khi chúng tôi tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử của huyện. Từ đó tạo niềm tin cho khách hàng về các sản phẩm dược liệu và sâm Ngọc Linh.
Chúng tôi có tài khoản, chụp hình, xây dựng video quảng bá sản phẩm để đăng lên trang. Ngoài trang của huyện thì mạng xã hội cũng được chúng tôi ứng dụng triệt để nhằm mua bán sản phẩm, việc thanh toán cũng là thanh toán điện tử qua tài khoản ngân hàng nên rất thuận tiện”.
Nỗ lực bắt kịp xu hướng chung
Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước thuộc UBND huyện và cấp xã.
Các cơ quan, đơn vị đã ứng dụng hiệu quả chữ ký số được cấp, đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp thiết của cơ quan trong việc bảo đảm xác thực và bảo mật thông tin.
Có đến 90% văn bản điện tử gửi đi được thực hiện ký số, phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm chi phí, tạo được môi trường làm việc hiện đại, góp phần tích cực trong việc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành công việc, giải quyết hồ sơ cho nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, nên từ chính quyền đến người dân phải nỗ lực để bắt kịp xu hướng.
Một số khó khăn của địa phương hiện nay là hệ thống máy tính tuy đã được đầu tư đồng bộ nhưng chất lượng không đồng đều; đa số máy sử dụng lâu năm nên đã xuống cấp, không đủ điều kiện cài đặt các phần mềm, ứng dụng chuyên ngành; phần lớn máy tính không có hệ thống phần mềm, công cụ diệt virus, bảo mật thông tin.
Hệ thống mạng LAN, tốc độ đường truyền Internet băng thông rộng tại một số đơn vị, địa phương còn hạn chế, chưa quản lý kết nối tập trung.
Hạ tầng viễn thông tại các khu dân cư còn chưa đảm bảo, nhiều khu vực còn tình trạng trắng sóng, lõm sóng nhưng không thể đầu tư trạm phát sóng BTS do chưa có điện lưới quốc gia. Từ đó khiến việc ứng dụng CNTT từ cơ quan nhà nước đến trong nhân dân vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Thời gian tới, huyện Nam Trà My xác định 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số, gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, với 23 nhiệm vụ cụ thể; tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 10,6 tỷ đồng từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh huyện và các nguồn huy động khác.
Huyện sẽ tiếp tục đề nghị các đơn vị viễn thông đầu tư xóa những điểm trắng sóng, lõm sóng còn lại trên địa bàn huyện. Tiếp tục thiết lập các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với CNTT, ứng dụng cho cuộc sống và phục vụ công cuộc chuyển đổi số toàn diện hiện nay.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/cong-cuoc-chuyen-doi-so-o-nam-tra-my-3141824.html