Để nhận diện thêm những giá trị độc đáo từ con đường này, Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với PGS-TS. Ngô Văn Doanh.
* Nhiều năm nghiên cứu văn hóa Chăm và vương quốc Champa, ông đã bao giờ thấy hoặc biết đến một con đường “thần linh” tựa con đường phía đông tháp K dẫn vào khu đền tháp Mỹ Sơn vừa được khai quật?
PGS-TS. Ngô Văn Doanh: Thật ra, những di tích Chăm khác vẫn có con đường dẫn lên cổng vào tháp như Pôklông Garai (Ninh Thuận) hay tháp Bánh Ít (Bình Định)… nhưng những con đường này thường rất ngắn và dốc vì ở đó chỉ có một cụm tháp.
Tuy nhiên, tại Mỹ Sơn thì khác biệt hoàn toàn do con đường này dẫn vào cả quần thể nhiều khu tháp nên dài hơn, thời gian tồn tại của con đường cũng lâu hơn. Con đường ở Mỹ Sơn thú vị và giá trị là chỗ này.
Kết quả khảo cổ cho chúng ta thấy, con đường chắc chắn được hình thành trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ việc xây dựng các đền tháp đầu tiên, tiếp đến là các khu đền tháp khác sau này.
Chúng ta phát hiện con đường gắn với tháp cổng K – có niên đại thế kỷ 12 nên có thể xác định đây cũng là niên đại của con đường. Nhưng không loại trừ khả năng phía dưới con đường này đã từng có một con đường khác, qua hàng trăm năm, con đường cũ bị hư hỏng, người Chăm xưa đã làm lại. Và con đường phát hiện ngày nay chính là dấu vết của con đường cũ trước đây.
Cũng có thể, từng có con đường dẫn vào trung tâm di tích ở vị trí khác nhưng chúng ta chưa phát hiện được. Nói chung rất nhiều phỏng đoán, dù vậy định hướng con đường từ tháp K là con đường chính người Chăm xưa đi vào trung tâm di tích theo hướng sông (theo dòng Khe Thẻ) lên vẫn chính xác hơn.
* Từ kết quả phát hiện con đường, bước tiếp theo chúng ta phải làm gì để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc này, thưa ông?
PGS-TS. Ngô Văn Doanh: Tại hội thảo báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở phía đông tháp K Khu di tích Mỹ Sơn vừa diễn ra mới đây, chúng tôi thống nhất nên bảo tồn, trùng tu những kiến trúc được phát lộ, sau đó sẽ lập kế hoạch khảo cổ tiếp phần còn lại của con đường, trên cơ sở trùng tu phục hồi xong sẽ tiếp tục trùng tu, bảo tồn các phần còn lại.
Không nên đào xới ra rồi để đấy, mưa gió làm hỏng hết. Khảo cổ đến đâu, bảo tồn đến đấy. Phải đi từng bước thận trọng và đồng bộ, đây là điều ai cũng biết cả. Vấn đề là chúng ta có điều kiện kinh phí để bảo tồn trùng tu hay không thôi.
Tất nhiên, vì Khu đền tháp Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới nên bước tiếp theo làm gì hay làm như thế nào, Ban Quản lý Mỹ Sơn và các cấp ngành địa phương liên quan của Quảng Nam phải đề xuất Bộ VH-TT&DL, kể cả xin ý kiến của UNESCO. Còn trùng tu như thế nào, bằng cách nào thì sẽ có ý kiến của Bộ VH-TT&DL chứ không thể tự ý làm được. Đã phát lộ ra thì phải bảo tồn gìn giữ chứ không thể để như vậy!
Đầu tiên chúng ta phải xác định, giá trị lớn nhất và hàng đầu của Mỹ Sơn chính là các đền tháp. Việc phát hiện con đường giúp chúng ta có thêm nhiều tư liệu mới, sinh động.
Việc phát hiện con đường cũng như trước đây chúng ta từng phát hiện những hiện vật, kiến trúc lạ đã minh chứng rõ nét Mỹ Sơn chắc chắn còn rất nhiều bí ẩn nằm dưới lòng đất mà chúng ta chưa thể biết hết được trong suốt lịch sử tồn tại gần nghìn năm của những công trình kiến trúc này.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Tháng 3/2024, dự án thăm dò khai quật khảo cổ học khu vực phía đông tháp K do Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn phối hợp Viện Khảo cổ học (Bộ VH-TT&DL) triển khai, tổng diện tích 220m2. Trong khu vực khai quật đã làm xuất lộ cấu trúc của một đoạn kiến trúc đường dẫn phía đông tháp K dài 20m, theo hướng Đông – Tây lệch về phía bắc 45º.
Tổng chiều dài con đường tính từ chân tháp K là 52,5m, rộng phủ bì 9m gồm lòng đường và hai bức tường xếp gạch bo hai bên. Lòng đường rộng 7,9m, bề mặt bằng phẳng, cấu tạo từ cát sỏi và gạch vụn được đầm chặt, có độ dày từ 0,15 – 0,2m. Các chuyên gia xác định, đây là con đường chính hành lễ vào khu đền tháp của người Chăm xưa.