Và anh nhiệt tình bỏ ra mấy bữa, lang thang các vùng Điện Hòa, Điện Tiến, Điện Thọ, nơi có làng Bích Trâm (ngỡ liên quan tới chữ “Trâm”), rồi chạy xuống tận Điện Ngọc, nơi có làng Ngọc Vinh (ngỡ liên quan tới chữ “Ngọc”), nhưng hầu như không nhận được thông tin nào về làng Ngọc Trâm.
Mọi việc cứ vậy trôi đi…
Trở về tên làng cũ
Năm 2019, Điện Bàn hoàn thành công tác sáp nhập đơn vị thôn trong toàn thị xã, từ 182 còn 140 thôn, khối phố.
Chuyện chia tách, sáp nhập cho phù hợp với nhịp độ phát triển kinh tế – xã hội, nhất là đối với đơn vị thôn ở các địa phương cũng không mấy xa lạ. Tuy nhiên, với riêng tôi (và cũng có thể với nhiều người khác nữa), lại bâng khuâng với những tên đất, tên làng được lưu giữ hoặc những cái tên vừa mới ra đời.
“Tên giữ, chữ đặt” – ông bà ta đã nói thế, không chỉ riêng với con người mà cả với tên đất, tên làng. Một vùng đất mới hình thành, hoặc theo tiến trình tất yếu của sự phát triển, nhất là quá trình đô thị hóa, những mô-tip quen thuộc của làng xã xưa như bến nước, con đò, cây đa, mái đình, lũy tre… dần được thay thế. Cấu trúc của ngôi làng đã không tồn tại, sao tôi còn vương vấn với những cái tên xa mờ?
Một thời xa trước, các tên làng ở Điện Bàn hầu như biến mất, thay vào đó là các địa danh thôn 1, thôn 2, thôn 3… Tôi là người công tác tại địa phương, nhưng cũng đã không biết bao nhiêu lần nhầm lẫn các số liệu từ thôn 1 của xã A qua thôn 1 của xã B, hoặc giả có lặn lội đi thực tế ở từng cơ sở, chỉ nhớ được nội dung sự kiện, câu chuyện mà không phân biệt được nó thuộc thôn nào, bởi lẽ, các con số 1, 2, 3… kia không gây cho tôi ấn tượng gì.
May thay, một thời gian sau, các địa phương quay lại sử dụng một số tên đất tên làng đã in sâu vào tâm thức của những người con Điện Bàn, nhất là những người lưu lạc xa xứ.
Như thôn La Trung và thôn Tây xã Điện Thọ sáp nhập lại dùng tên La Huân làng cũ, khối phố 8A và khối phố 8B của phường Điện Nam Trung sáp nhập lấy lại tên làng Quảng Hậu lâu đời.
Thôn Xuân Đài và Kỳ Lam của xã Điện Quang, từ năm 1976 do yêu cầu sản xuất đã sáp nhập lấy tên Xuân Kỳ, về sau chia tách giữ lại tên làng xưa và bây giờ, sáp nhập lại dùng tên Xuân Kỳ.
Những câu chuyện đủ sức minh chứng, cái gốc rễ, cội nguồn của văn hóa làng luôn được nuôi dưỡng, ủ mầm trong dòng chảy đời sống nhân dân. Tách nhập chỉ là câu chuyện của từng giai đoạn lịch sử.
Di sản vô giá từ những cái tên
Làng Xuân Đài vẫn nhắc nhớ mọi người về quê hương của cụ Tổng đốc Hoàng Diệu với cánh đồng như chao nghiêng – khi mẹ cụ và cả dân làng nhận được hung tin người con trung hiếu đã hy sinh.
Làng Kỳ Lam vẫn sống mãi với sự tồn tại song song đôi bờ nam bắc của dòng Thu Bồn, bên này thuộc Gò Nổi Điện Quang và bên kia thuộc Điện Thọ với nhiều dòng tộc có phả hệ lâu đời…
Tuy vậy, vẫn có chút đáng tiếc khi một số nơi vẫn giữ lại tên bằng những con số, như khối phố Phong Hồ Tây và khối phố 2A của phường Điện Nam Bắc, sáp nhập lại vẫn có tên là 2A, trong khi cái tên Phong Hồ đã được ghi vào “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn từ năm 1776.
Và khó hiểu hơn là một số thôn khi nhập lại có sự gán ghép một cách ngẫu nhiên từ một chữ của tên làng này ghép với một chữ của tên làng kia thành cái tên mới. Như: Đức Ký Bắc + Đức Ký Nam + Đông Hòa thành Đông Đức; Kỳ Long + Bì Nhai thành Kỳ Bì; Phú Tây + Văn Ly thành Phú Văn…
Một Điện Bàn tự hào là văn vật, truyền thống phải hàm chứa đa tầng mạch nguồn văn hóa và lịch sử. Trong đó, văn hóa làng là yếu tố đặc biệt quan trọng, là kho tàng quý báu về vật thể, phi vật thể để hình thành nên vóc dáng của vùng đất và cũng là nơi sản sinh, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người.
Trong xu hướng tất yếu của quá trình hội nhập và đô thị hóa, Điện Bàn hiện phải đối mặt với nhiều thách thức. Có thể do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, hình hài của ngôi làng nào đó không tồn tại nữa, nhưng ít nhất, tên gọi của nó vẫn được lưu giữ. Bởi đó không chỉ là cái tên, mà là cội rễ của mạch nguồn văn hóa lịch sử vùng đất Điện Bàn.
Trở lại với câu chuyện làng Ngọc Trâm của bạn anh đồng nghiệp. Thật may, tôi đã tìm được chút thông tin, đó là làng quê mà anh đang tìm kiếm là một xứ đất của thôn Kỳ Long xã Điện Thọ bây giờ.
Trong “Đồng Khánh địa dư chí” (1886-1888), phần phủ Điện Bàn, huyện Diên Phước, tổng Đa Hòa Thượng có ghi rõ là “thôn Ngọc Trâm”. Trong Quy ước thôn văn hóa Kỳ Long của xã Điện Thọ cũng nhắc đến địa danh này.
Tôi muốn nhắn với người con xa xứ của bạn anh đồng nghiệp, nếu muốn thử tìm về nơi nguồn cội, cũng nên sơm sớm chút, bởi cái tên Kỳ Long đang bị ghép thành Kỳ Bì mất rồi!