Năm 2007, các ngành chức năng đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam đưa công trình Thủy điện Sông Tranh 5 vào quy hoạch bổ sung các công trình thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh. Sau đó Công ty Điện lực 3 đã xúc tiến khảo sát, thiết kế chuẩn bị cho công tác khởi công xây dựng. Nhưng lúc bấy giờ, lãnh đạo huyện Hiệp Đức lo ngại ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nên không thống nhất, dẫn đến công trình này bị loại khỏi quy hoạch.
Theo tính toán của các nhà hoạch định chính sách, nếu chọn phương án 1 thì công trình Thủy điện Sông Tranh 5 có mặt nước ở cao trình 21m so với mực nước biển. Theo phương án này thì các tuyến đường từ thị trấn Tân Bình, xã Quế Tân, Sông Trà, đường bao xã Quế Thọ hoàn toàn không bị ngập nước.
Cụ thể như mực nước sẽ còn cách xa mặt cầu Vực Giếng và mặt cầu Vực Cảnh xã Quế Thọ lần lượt là 4m và 2m, cách mặt cầu Vực Giang xã Hiệp Thuận (cũ) khoảng 6m, cách mặt cầu Thầu Đâu xã Hiệp Hòa (cũ) chừng 4m; và toàn bộ nhà dân thuộc các xã Quế Tân, Quế Thọ, Sông Trà, Thăng Phước, thị trấn Tân Bình đều không bị ngập.
Riêng diện tích đất bị ngập khoảng 307ha chủ yếu là các khe suối, bờ nà, đất trũng thấp, ruộng hoang hóa. Nếu tính nguồn lợi trên diện tích này trong điều kiện không bị mất mùa thì hằng năm thu được cũng chỉ 5-6 tỷ đồng, trong khi đó nguồn thu ngân sách cho địa phương từ Thủy điện Sông Tranh 5 đạt ít nhất 40-45 tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể đến hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh do nguồn điện mang lại.
Theo tính toán của nhà thiết kế, công trình Thủy điện Sông Tranh 5 có 2 tổ máy, công suất lắp máy 40MW, cột nước lớn nhất 11,35m, cột nước tính toán 8,85m, dung tích toàn bộ 17.870.000m3, dung tích hữu ích 3.400.000m3, lưu lượng nước lớn nhất khoảng 532m3/s, điện lượng bình quân hằng năm vào khoảng 170 triệu KWh.
Công trình được định vị phía dưới ngã ba sông Trường giáp sông Tranh, thuộc địa danh Tỉnh Yên (bên tả ngạn) và Bình Kiều Dưới (bên hữu ngạn) xã Hiệp Hòa (cũ). Ở vị trí này, nếu công trình được xây dựng sẽ giống như có thêm một cây cầy thứ 9 (sau 8 cây cầu kể cả cầu treo, đã bắc qua sông Tranh và sông Khang trên địa bàn Hiệp Đức), tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trong khu vực qua lại Tỉnh Yên, canh tác vùng đất màu mỡ này.
Thủy điện Sông Tranh 5 nếu được xây dựng thì các ngành nghề như nuôi trồng thủy sản, du lịch sông nước, nhà hàng, quán xá, lễ hội đua thuyền truyền thống… nhất định sẽ phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo mới cho thị trấn Tân Bình trong một ngày không xa.
Thủy điện Sông Tranh 5 còn là một cỗ máy điều hòa nhiệt độ khổng lồ giữa lòng thị trấn, tạo cho không khí mát lành quanh năm, là nơi cung cấp nguồn nước ngọt vô tận cho sản xuất và sinh hoạt của người dân thị trấn Tân Bình và các vùng lân cận.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/co-hoi-tai-khoi-dong-thuy-dien-song-tranh-5-3146976.html