Mang theo ngôi làng trên đường thiên di
Lịch sử người Việt là những cuộc di cư đầy vất vả, không chủ đích qua bốn ngàn năm. Từ những ngôi làng quây quần bên phù sa Bắc Bộ, cộng đồng chỉ vài chục tộc họ, giờ đây có mặt khắp nơi – dọc theo hình hài chữ S, rồi lan rộng đến những đất nước xa xôi bên bờ đại dương.
Vô thức nhìn theo, cái họ của một làng – cũng là gốc gác không mất đi trong những cuộc di cư. Khi đến vùng đất mới, văn hóa của ngôi làng cũ giao thoa với vô vàn tộc người khác, cộng đồng khác.
Văn hóa Việt có thể chỉ đơn giản như cái tên “Tí”, “Tèo”, cái chữ lót “Thị”, hay cách xưng hô trong gia đình: chị hai – thằng út. Văn hóa là cách ta nghĩ về ông bà, tổ tiên, là cách cư xử giữa người với người. Nó là nếp sống sinh hoạt hằng ngày, kết tinh thành những điều giản dị, như bữa cơm, như món ăn quen thuộc đã nuôi dưỡng ta ngày nhỏ.
Ở Sài Gòn, ta có thể dễ tìm thấy một tô mỳ Quảng chính hiệu gần chợ Bà Hoa, để nghe người Quảng “cãi nhau” thiệt thà, chất phác. Người ta có thể tìm thấy tô bún bò Huế gần chợ Bà Điểm, vừa ăn bún để nghe tiếng mọi người gọi nhau là o, là mệ.
Khu phố Bắc ở đường Chu Mạnh Trinh, người ta có thể tìm thấy đủ đầy trà Bắc, giò, thủ, bánh cuốn Thanh Trì, chè lam, bánh cốm… với tiếng rao thân thuộc như thời bao cấp.
Rất dễ nhận ra, văn hóa ẩm thực Việt giờ đã vươn ra thế giới. Người Việt thành công trong việc quảng bá những món ăn đến với bạn bè năm châu. Niềm tự hào đó thúc đẩy chúng ta nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc giữ gìn văn hóa cha ông, từ thứ rất gần gũi như bát phở, tô mỳ…
Thật vui khi nhìn những bảng thống kê, xếp hạng các món ăn được du khách yêu thích. Đâu đó ở Nhật, Mỹ, Úc, châu Âu, thật ấn tượng khi thấy những người nước ngoài xếp hàng chờ mua trước cửa tiệm đồ ăn Việt Nam. Tiệm bánh mì Xin Chào ở Nhật, tiệm phở Thìn ở Little Sài Gòn, California hay tiệm Bonjour Viet Nam ở Đan Mạch.
Những người… khao khát quê hương
Người ta gìn giữ văn hóa trước hết vì thói quen, sau đó là nhu cầu. Thói quen làm ta chọn lựa một cách dễ dàng giữa cái cũ và cái mới, cái quen thuộc và cái khác lạ. Nhu cầu tạo nên sự kiếm tìm, thỏa mãn.
Những thế hệ người Việt di cư, chỉ dấu có thể gọi tên từ món ăn. Món ăn như kết tinh từ quê hương, từ hạt gạo, là phù sa suối nguồn, từ con trâu cái cày, con gà cục tác lá chanh, kinh nghiệm bao đời đúc kết.
Vài chục năm trước đây, để có tô mỳ Quảng, cả làng sẽ xúm tụ với nhau, người xay gạo, người nhen lửa, người rang đậu, người chuẩn bị nhưn… Ta thèm cái sự chan hòa, sum tụ đó, thèm cái không khí chia sẻ, hân hoan đó. Ta thèm cái văn hóa đậm đà như thèm một món ăn.
Câu chuyện xuyên suốt có thể tìm thấy ở người Việt xa quê, dù ở Sài Gòn hay nước ngoài, là họ thèm hương vị quê nhà, trong vô thức. Họ thèm tô mỳ Quảng, bát phở, tô bún bò. Đó còn là cái sự “thèm” quê hương, “thèm” văn hóa, “thèm” cái cội nguồn ông cha.
Từ việc thèm hương vị quê nhà, cộng đồng người Việt dù ở Mỹ, Úc, châu Âu tìm đủ mọi cách để mang cái mùa, cái thức từ làng Việt xa xôi sang. Dần dà chụm nhau mở quán, quán thành “làng”. Ngôi “làng” như chung một khao khát. Họ không còn khao khát một tô mỳ, bát phở nữa mà khao khát quê hương.
Vì yêu nên ta sẽ làm cho văn hóa phù hợp với đời sống của mình. Vì yêu, ta mới có thể mang những dáng dấp của ngôi làng, góc phố Việt Nam, cọng rau thơm, húng, ngò di cư theo.
Vì ta yêu cái đã nuôi dưỡng ta, nên hạnh phúc khi nghe câu hò, câu cải lương ở nơi đất khách. Tất cả, từng chút, từng cá nhân làm nên “làng” vô hình ở nước ngoài, tồn tại không chủ đích. Ta không cần giữ gìn vì nó tự nhiên như thế.
Cảm giác “thuộc về” Việt Nam
Nhìn lại quê hương mình, những làng xã hữu hình hay vô hình nào còn tiếp tục tồn tại? Những người Việt nào chỉ còn là cái họ, không chút dáng dấp của ông cha? Những Peter, Louis… đã và đang được sinh ra, có thể nào sẽ chỉ toàn nói tiếng Anh trên chính đất mẹ? Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giúp con người xác định danh tính cá nhân và tập thể của họ, nhưng cần được hiểu trên phương diện từng cá nhân.
Còn với thế hệ con cháu Việt Nam sinh ra ở nước ngoài, sẽ có những cái tên khác lạ như Terry, Trianna, Harry… dù còn giữ được cái gốc họ, nào Hoàng, nào Nguyễn, Trần… Cái họ theo một gia đình Việt kiều có thể vài thế hệ. Nhưng thật khó biết được khi nào những tên họ rồi biến mất. Những họ mới, nhánh mới được sinh ra. Có thể nào người Việt các thế hệ tiếp theo có thể chỉ nói tiếng Anh, hoặc bập bẹ đôi chút tiếng Việt. Điều gì trong họ còn có thể gọi là người Việt?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, văn hóa từ gia đình, cộng đồng, trước hết giúp ta thỏa mãn nhu cầu “thuộc về”. Cảm giác “thuộc về” là quá trình cá nhân đặt mình vào một cộng đồng thân thuộc, chia sẻ đầm ấm với những người xung quanh, giúp ta phát triển tâm lý và tính cách hài hòa. Cảm giác thuộc về rất quan trọng. Nó giúp mỗi người đương đầu với các khó khăn, nhìn thấy những giá trị trong cuộc sống.
Đằng sau nếp sống văn hóa truyền thống hiện hữu ở tô mỳ Quảng bà nấu, chiếc áo dài mẹ may là tình yêu, cách đối nhân xử thế, sự gắn kết gia đình, những dư vị nhỏ nhặt hằng ngày.
Đó phải chăng là sự xuyên suốt, là hình tướng sâu xa nhất của văn hóa? Như sợi chỉ kéo dài từ quá khứ đến hôm nay, di cư từ làng Việt sang ngôi làng vô hình khắp nơi trên thế giới.
Sợi chỉ đôi lần giúp người khâu vá những lúc tơi tả, khó khăn mưu sinh nơi xứ người. Ta đâu chủ đích giữ gìn văn hóa, chỉ là sợi chỉ đó vẫn kéo ta về với nhau.
Người Việt ở nước ngoài có thể không nhớ lắm các sự kiện lịch sử, không thuộc nhiều bài hát Việt, không sống ở gần chúng ta. Nhưng bằng cách này hay cách khác, vẫn chia sẻ trong bữa ăn gia đình những câu chuyện ngày trước, những món ăn Việt giản dị, những đức tính tốt đẹp của người Việt. Đứa con sẽ lại thích mỳ Quảng, bún bò, thèm nghe chuyện ông cha, hiểu về nguồn cội để thấy vững vàng, kết nối hơn với chính bản thân.
Văn hóa Việt tồn tại theo cách này: chúng ta có thể sống theo cách chúng ta muốn, với những hệ giá trị rất khác nhau, ở khắp nơi trên thế giới này, nhưng vào một thời khắc quan trọng, vẫn lựa chọn sống như một người Việt.
Đó là giá trị mỗi người tự tìm thấy của văn hóa quê hương…