Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, từ ngày 4-9/4, các chuyên gia sẽ sử dụng công nghệ LiDAR hỗ trợ khảo sát toàn bộ khu vực di tích, hỗ trợ tìm kiếm các dấu vết, các phế tích khảo cổ học bị bao phủ bởi cây rừng; nhận diện hiện trạng bề mặt địa hình và sự thay đổi của khu vực di tích Mỹ Sơn, hỗ trợ công tác khảo cổ học làm cơ sở khoa học để bảo tồn di tích Mỹ Sơn hiệu quả.
LiDAR (Light Detection and Ranging) là một công nghệ viễn thám sử dụng ánh sáng dưới dạng xung laser để đo khoảng cách từ vị trí bắt đầu tới mục tiêu cần đo. Sau khi đo, những xung ánh sáng này sẽ kết hợp với các dữ liệu được ghi bởi hệ thống trên không, từ đó phân tích đưa ra thông tin dưới dạng thông tin ba chiều.
Mỹ Sơn được người Chăm bắt đầu xây dựng từ thế kỷ IV và liên tục được bổ sung thêm các ngôi tháp lớn nhỏ trong nhiều thế kỷ sau đó, quá trình này chỉ kết thúc khi vùng đất phía bắc sông Thu Bồn sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt (1306).
Từ đầu thế kỷ XX, khi các nhà khoa học Pháp đến Mỹ Sơn nghiên cứu đã phát hiện nơi đây còn 68 công trình kiến trúc phân bố thành 8 cụm, mỗi cụm có một đền tháp chính và các đền tháp phụ trợ phân bố ở trung tâm thung lũng đường kính khoảng 2km, trục chính là suối Khe Thẻ.
Trải qua nhiều biến cố, thời gian và tác động của con người, đặc biệt sự thay đổi bề mặt địa hình cũng như chuyển đổi của các dòng suối trong lịch sử khiến nhiều phế tích bị cây cối, đất cát bao phủ, mất dấu. Vì vậy, việc sử dụng công nghệ LiDAR là rất cần thiết và phù hợp, qua đó giúp nhận diện bề mặt và sự biến đổi địa hình di tích trong quá khứ cũng như hiện tại, tạo cơ sở khoa học phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn.
Việt Nam và Ba Lan từng có thời gian hợp tác bảo tồn di tích Mỹ Sơn từ hơn 40 năm trước khi cố kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997) đến làm việc, trùng tu các nhóm tháp Mỹ Sơn giai đoạn 1980 – 1994.
Việc triển khai chương trình khảo sát nằm trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu giữa Ban Quản lý di sản văn hoá Mỹ Sơn với Trường Đại học Warszawa, Viện Khoa học, Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT Việt Nam) thực hiện với các chuyên gia hàng đầu đến từ Ba Lan như Tiến sĩ khảo cổ học Marta Karolina Zuchowski (Trường Đại học Warszawa), Giáo sư Jacek Kosciuk (Trường Đại học Warszawa), Tiến sĩ Bartlomiej Cmielewski Jakub (Đại học Khoa học và công nghệ Wroclaw).
Theo ông Nguyễn Công Khiết, sử dụng công nghệ trong công tác nghiên cứu và bảo tồn di sản Mỹ Sơn là một trong những ưu tiên của đơn vị. Đặc biệt, với việc phối hợp nghiên cứu khảo sát qua công nghệ LiDAR cũng là những bước đầu tiên tái thiết lập kết nối với các nhà khoa học Ba Lan sau 30 năm (1980-1994) di tích Mỹ Sơn được cứu vãn và trùng tu bởi các chuyên gia Ba Lan, trong đó có cố kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (Kazik).
“Việc tái khởi động lại chương trình hợp tác với Ba Lan, cụ thể là hợp tác trong nghiên cứu bảo tồn di tích Mỹ Sơn có ý nghĩa quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, đồng thời góp phần quan trọng tiếp nối thế hệ các nhà khoa học Ba Lan và Việt Nam trong công tác bảo tồn di tích Mỹ Sơn, di sản văn hoá thế giới” – ông Khiết chia sẻ.
Trong chuyến làm việc lần này đoàn chuyên gia Ba Lan và đại diện Viện Khoa học, Địa chất và khoáng sản cũng thực hiện phim tài liệu về cố kiến trúc sư Kazik.