Đến hiện tại tình hình nạo vét luồng sông Cổ Cò từ Km0 – Km14 gần như vẫn bất động so với thời điểm cách đây 4 tháng. Cụ thể, đoạn qua TP.Hội An (Km0 – Km9+500) đã thi công được khoảng 423.000/680.000m3 (đạt 62%), còn đoạn qua thị xã Điện Bàn (Km9+500 – Km14) vẫn chỉ thi công được khoảng 342.000/720.000 m3 (đạt 48%).
Trong buổi khảo sát dự án cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam sớm tìm đơn vị thẩm định lại giá cát. Đồng thời phối hợp các đơn vị khẩn trương tìm phương án phù hợp để xử lý lượng cát sau nạo vét để sớm tái khởi động việc nạo vét luồng.
Về giải phóng mặt bằng trên địa phận Hội An, ông Hưng cho rằng, cơ bản mặt bằng không vướng mắc gì lớn nên đề nghị Sở TN-MT ngay trong tháng 9 ban hành những hướng dẫn mới nhất về Luật Đất đai 2024 để các đơn vị sớm triển khai theo quy định. Đến trước ngày 30/11 tới phải giải phóng mặt bằng đoạn qua TP.Hội An.
Cũng trên dòng sông này, so với hiện trạng đợt kiểm tra cách đây gần 5 tháng của lãnh đạo tỉnh, dự án cầu Nghĩa Tự (phường Điện Dương, Điện Bàn) có chuyển động rõ rệt.
Ông Nguyễn Văn Thường – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh thông tin, phần cầu Nghĩa Tự đã thi công xong phần hạ bộ (gồm trụ P1, P2, mố M1, M2), đơn vị thi công đang triển khai thi công các đốt K1 – K10 của trụ P2 và dự kiến hợp long phần cầu trước 31/12/2024.
Phần đường dẫn cầu Nghĩa Tự tuy còn vướng mặt bằng chưa triển khai thi công nhưng đã có dấu hiệu cho thấy lối ra. Theo thống kê, phần đường dẫn cầu Nghĩa Tự sẽ ảnh hưởng 30 hộ dân, trong đó 17 hộ giải tỏa trắng.
Với 10 hộ đề nghị tái định cư tại chỗ, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương và đề nghị Điện Bàn sớm triển khai trong năm 2024. Ngoài ra, còn 7 hộ có nguyện vọng vào các khu tái định cư lân cận và 13 hộ ảnh hưởng đất đai và một phần vật kiến trúc.
Theo chính quyền thị xã Điện Bàn, hiện nay địa phương cơ bản đã chuẩn bị đủ quỹ đất tái định cư phục vụ giải tỏa để thi công hai phía đường dẫn cầu Nghĩa Tự nên sẽ sớm phối hợp Sở Xây dựng thực hiện các thủ tục điều chỉnh liên quan để bố trí tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng trong thời gian tới.
Ông Trần Nam Hưng đề nghị, với một số trường hợp cụ thể không được bồi thường đất, Điện Bàn xem xét vận dụng hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề cho người dân như TP.Hội An đã áp dụng để đồng bộ trong chính sách hỗ trợ trên toàn tuyến dự án này.
Đồng thời, Điện Bàn phải quản lý tốt hiện trạng các khu vực đã giải phóng mặt bằng, bồi thường đúng quy định và chuẩn bị song song phương án xử lý để triển khai ngay trong tháng 10/2024 với các trường hợp hết thời hạn đối thoại vẫn không bàn giao mặt bằng.
Trước đó, tại buổi làm việc về Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò hồi tháng 5/2024, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đã yêu cầu các bên liên quan trước mắt phải hoàn thành nạo vét đoạn Km0 – Km14 (từ khu vực gần Cửa Đại đến cầu Nghĩa Tự) trước Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Còn với đoạn Km14 – 19+456 (từ cầu Nghĩa Tự đến giáp ranh TP.Đà Nẵng), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đề xuất UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho đơn vị lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai tiếp nạo vét luồng đoạn này trong trung hạn 2021- 2025 hoặc 2026 – 2030.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/chuyen-dong-tren-dong-co-co-3140777.html