Lan tỏa “xu thế xanh”
Du lịch xanh là xu thế dần được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Từ trước đó, ngành du lịch Việt Nam cũng đã sớm có kế hoạch tiếp cận, lan tỏa xu thế này.
Năm 2012, Bộ tiêu chí “Nhãn du lịch bền vững bông sen xanh” ra đời. Tiếp đó, Bộ tiêu chí “Nhãn du lịch xanh” được ban hành năm 2013. Năm 2018, “Phát triển du lịch Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh” là chương trình KH-CN trọng điểm cấp bộ.
Năm 2020, Chính phủ ban hành chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định quan điểm du lịch bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh và một số giải pháp thực hiện.
Quảng Nam được đánh giá là một trong những “điểm sáng” trong hành trình chuyển đổi xanh, phát triển du lịch bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây. Tham dự diễn đàn, đại diện Silk Sense Hoi An River Resort thông tin, bằng cách loại bỏ và giảm thiểu sử dụng nhựa, khách sạn đã giảm phát thải hơn 80 nghìn chai nhựa dùng một lần và hơn 10 tấn rác thải nhựa ra môi trường.
“Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, việc thực hiện khách sạn không rác thải nhựa còn giúp Silk Sense Hoi An River Resort tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa tài nguyên, lan tỏa nhận thức bảo vệ môi trường cho người lao động, nâng cao thương hiệu điểm đến trong mắt khách hàng…”, bà Hà Thị Diệu Viên – Phó Tổng Quản lý khu nghỉ dưỡng Silk Sense Hoi An River Resort nói.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh có hai điểm nhấn quan trọng cho ngành du lịch là xây dựng, triển khai hiệu quả quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với kinh tế xanh, kinh tế biển xanh và hoàn thiện thể chế, chính sách ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch cộng đồng đồng thời xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, triển khai hệ thống xếp hạng về tăng trưởng xanh cho các điểm đến du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch ở Việt Nam.
Dù vậy, thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh của ngành du lịch vẫn còn rất lớn. Trong đó các vấn đề chủ yếu như nhận thức chưa đầy đủ về tăng trưởng xanh, thiếu cơ chế và hướng dẫn cụ thể về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, vấn đề tài chính và đầu tư vào các giải pháp xanh…
Tại Quảng Nam, dù là đơn vị tiên phong trong việc ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh cấp tỉnh từ năm 2021 tuy nhiên đến nay việc triển khai thực hành xanh trong cộng đồng chủ thể làm du lịch vẫn mang tính khuyến khích, chưa có cơ chế, nguồn lực hỗ trợ.
Hành động có trọng điểm
Việc phát triển và thực hiện các công nghệ xanh trong ngành du lịch tại tỉnh Quảng Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hiệu suất kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch và đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và cộng đồng địa phương, từ đó tạo ra một môi trường du lịch hấp dẫn và bền vững.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sử dụng hợp lý và hiệu quả tài nguyên, làm giàu vốn tự nhiên, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu sạch, thực phẩm sạch cần được đặc biệt coi trọng và xác định là hướng đi chủ lực để thực sự phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh.
Hiện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã có kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch với các nhiệm vụ trọng tâm gồm: nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi; tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa và ứng dụng quản lý rác thải nhựa đối với doanh nghiệp du lịch.
Bên cạnh đó, dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam đã được triển khai thí điểm tại Quảng Nam và Ninh Bình từ năm 2023 đến tháng 6/2024.
Ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay, những giải pháp thực hành xanh đã được các chủ thể làm du lịch ở Hội An triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả có thể kể đến việc sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý nước và rác thải, công nghệ thông tin và trải nghiệm du lịch thông minh, giao thông và vận tải xanh, hợp tác cộng đồng và giáo dục du lịch xanh, chứng nhận và tiêu chuẩn du lịch xanh, thúc đẩy mô hình du lịch mới…
“Khách du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là những người muốn khám phá vẻ đẹp của một địa điểm du lịch mà còn là những người có nhận thức sâu sắc về tác động của họ đối với môi trường.
Họ ưu tiên lựa chọn những trải nghiệm du lịch có trách nhiệm với môi trường, tham gia vào các hoạt động giáo dục và hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch cam kết bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, một số du khách cũng tìm kiếm những trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên và văn hóa địa phương thay vì các hoạt động du lịch tiêu tốn năng lượng nên dư địa cho chuyển đổi xanh ngành du lịch là rất lớn” – ông Phan Xuân Thanh nói.