Hiệu quả sau đầu tư
Người dân thôn Phú Gia 1 (xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn) rất hào hứng khi tham gia các sự kiện ở nhà văn hóa thôn. Tại đây, chính quyền địa phương đã thực hiện lắp đặt wifi từ nhiều năm nay. Mỗi tháng, thôn trích kinh phí chi trả tiền dịch vụ mạng để người dân sử dụng. Chưa kể, hệ thống loa truyền thanh, ti vi thông minh… cũng được lắp đặt.
Cán bộ, đảng viên và người dân trong thôn cũng tích cực ứng dụng công nghệ, các tiện ích của chuyển đổi số để phục vụ trao đổi công việc, tiếp nhận các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
Điển hình như việc tiếp nhận văn bản cấp trên qua cổng thông tin điện tử xã, qua các nhóm zalo kết nối giữa xã và thôn, giữa các tổ đoàn kết… Đây cũng là tiện ích từ chuyển đổi số mà hầu hết địa phương của Quảng Nam đang thực hiện.
Cuối tháng 3/2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đưa vào vận hành hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với tổng mức đầu tư hơn 18,5 tỷ đồng.
Hệ thống có 20 điểm cầu gồm 1 điểm cầu chính tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, 18 điểm cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện và 1 điểm tại trung tâm dữ liệu tỉnh. Hệ thống cho phép liên thông với hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của khối đảng, UBND và kết nối đến cơ quan Trung ương.
Sau hơn 1 năm đưa vào vận hành hệ thống, ông Nguyễn Phi Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã phát huy hiệu quả rất tốt trong việc triển khai những nhiệm vụ cấp bách của công tác Mặt trận.
“Với hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kịp thời nắm bắt các vấn đề, đặc biệt là dư luận xã hội và tình hình nhân dân. Nhiều nội dung cần triệu tập cuộc họp gấp để theo dõi, chỉ đạo, thì hệ thống này đã càng phát huy hiệu quả, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại…” – ông Hùng cho biết.
Phục vụ chuyển đổi số
Nhìn nhận từ các địa phương, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06.
Tất cả cơ quan, đơn vị đã có hệ thống mạng LAN (mạng nội bộ) nhưng hầu hết đã xuống cấp, không đảm bảo tốc độ, tính ổn định của kết nối. Bên cạnh đó, hầu hết đơn vị không có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh mạng (chống sét, tường lửa, anti virus..).
Hệ thống mạng internet, mạng LAN của cấp xã chưa đảm bảo, chưa theo chuẩn quy định theo Quyết định số 531 của UBND tỉnh về việc ban hành mô hình mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Mới đây, UBND tỉnh có Quyết định 1173 ngày 16/5/2024 ban hành Đề án nâng cấp hạ tầng, mua sắm thiết bị CNTT phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Theo đề án được phê duyệt, có 21 sở, ban, ngành và 12 cơ quan khối đảng, hội, đoàn thể của tỉnh sẽ được đầu tư thiết bị, nâng cấp mạng nội bộ, bổ sung các thiết bị CNTT thiết yếu (máy tính, máy in, scan)… với tổng kinh phí dự kiến hơn 36,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện từ năm 2024 – 2026.
Đầu tư hạ tầng số hiện đại
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ hình thành một số loại hình giao thông thông minh, hạ tầng số hiện đại và dữ liệu số đồng bộ, hoàn chỉnh, mạng 4G/5G phủ sóng 100% địa phương trong tỉnh, tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Được biết, hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu – nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Năm 2024, Quảng Nam cũng xác định phát triển kinh tế số với trọng tâm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”. Đây cũng là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Quảng Nam đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai song song, đồng bộ hạ tầng số với các hạ tầng khác như giao thông, điện, chiếu sáng, công trình ngầm. Các doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ…
Đối với hạ tầng CNTT, Quảng Nam tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng băng rộng, ứng dụng các công nghệ mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng, hạ tầng điện toán đám mây trên địa bàn tỉnh; triển khai sử dụng hạ tầng điện toán đám mây vào các hệ thống thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, đầu tư để mở rộng phủ sóng mạng di động thế hệ mới (5G), giúp tăng cường khả năng kết nối và truy cập internet ở nhiều khu vực hơn. Xóa các vùng lõm sóng viễn thông để đảm bảo rằng người dân ở các khu vực này có cơ hội tiếp cận và sử dụng dịch vụ số một cách thuận lợi.
Nguồn: https://mic.gov.vn/quang-nam-chuyen-doi-so-ha-tang-cong-nghe-di-truoc-197240702102658785.htm