Khó tránh “lỗi kỹ thuật”
Bạn tôi – giáo viên dạy Văn ở một trường THPT, nói: Báo chí bây giờ, nhất là báo điện tử, dùng sai từ, sai cú pháp, mắc lỗi chính tả… khá nhiều.
Phải chăng do chạy theo thông tin thời sự, cũng như những sai sót trên báo điện tử có thể sửa một cách nhanh chóng nên tòa soạn không quá chú trọng và thiếu nghiêm túc trong việc soát, sửa lỗi trước khi xuất bản?
Nếu sai sót, thật đáng lo khi có rất nhiều người lấy báo chí làm “kim chỉ nam” trong việc xác lập chuẩn mực thực hành ngôn ngữ của mình.
Một tác phẩm báo chí đến với bạn đọc trải qua quy trình xuất bản nghiêm ngặt với nhiều bước. Mỗi tòa soạn đều có tiêu chuẩn (quy chuẩn) kỹ thuật bản thảo riêng.
Trong đó quy định viết hoa, viết tắt ra sao; từ đã được Việt hóa, số đếm, số thứ tự, từ ghép thì viết như thế nào… Nhưng rồi, vì nhiều yếu tố khác nhau, đôi khi vẫn khó tránh khỏi những sai sót về “lỗi kỹ thuật” trên mặt báo.
Có lần, một học sinh THCS nêu ý kiến trên diễn đàn của các nhà báo, đại ý, báo chí sai lỗi nhiều quá, từ những lỗi nhỏ như thiếu từ, thiếu dấu, đến những lỗi dùng lẫn lộn “l” và “n”, dùng sai từ.
“Báo mạng hiện được rất nhiều người tiếp cận, nếu sử dụng tiếng Việt sai, sẽ ảnh hưởng rất lớn, trong đó có các bạn nhỏ ở lứa tuổi của cháu. Cháu không hề có ý gì tiêu cực, chỉ rất mong các cô, các chú, anh chị làm báo hãy cố gắng kiểm soát để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sai lỗi chính tả!” – học sinh này viết.
Nỗ lực “nhặt sạn”
Nhiều nhà ngôn ngữ học, nhà văn, nhà giáo, nhà báo… tâm huyết với việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã rất trăn trở về vấn đề sai chính tả, dùng từ sai trên các phương tiện truyền thông.
Họ cũng rất nỗ lực “nhặt sạn”, “điểm lỗi”, góp ý, chỉ ra những sai sót phổ biến về chính tả, từ ngữ trên báo chí, trên các chương trình phát thanh – truyền hình, kể cả trong sách giáo khoa.
Có những từ dùng “sai mãi thành đúng”, như các từ “giông (tố)/dông”, “đoạt (huy chương)/đạt”… Đúng ra phải viết từ “dông” trong “mưa dông”, “cơn dông”, “dông gió”, “dông tố”; nhưng nhiều tờ báo lại viết là “giông”.
Còn từ “đoạt” và “đạt” có nghĩa khác nhau nhưng lại được dùng gần như đồng nhất. Theo từ điển của Viện Ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, NXB Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học xuất bản năm 2005, thì “đạt” có nghĩa là đến được đích (ví dụ: Thi kiểm tra đạt loại giỏi); còn “đoạt” nghĩa là lấy hẳn được về cho mình, qua đấu tranh với người khác; ví dụ: Đoạt chức vô địch.
Không chỉ trên báo chí, từ “đoạt” và “đạt” bị dùng sai khá nhiều trong bằng khen, giấy khen, huy chương… của các cơ quan hành chính.
Lỗi dùng trùng ngữ cũng khá phổ biến trên báo chí hiện nay. Trong chương trình truyền hình về kiến thức dành cho học trò THPT của VTV, rất nhiều lần người dẫn chương trình nói: “Chúc mừng em đã hoàn thành xong phần thi của mình” sau mỗi phần thi. Đã nói “hoàn thành” thì không cần thêm từ “xong” nữa, bởi vì, “hoàn thành là làm xong một cách đầy đủ.
Hay khi đưa thông tin về một vụ việc nào đó, các báo thường kết thúc bằng câu: “Hiện vụ việc đang được xác minh, làm rõ”. Đã dùng từ “hiện” thì không cần dùng từ “đang” và ngược lại; đã dùng từ “xác minh” thì không cần dùng từ “làm rõ”, vì: “xác minh” nghĩa là “làm cho rõ sự thật qua thực tế và chứng cứ cụ thể”; ví dụ: “xác minh lời khai báo”; “sự việc chưa được xác minh” (sđd).
Ngoài ra, nhiều tờ báo dùng sai rất nhiều từ, cụm từ, nhất là từ Hán Việt như: trăn trối, cổ súy, vô hình chung, vãn cảnh (chùa), thăm quan, sáng lạng (viết đúng: trăng trối, cổ xúy, vô hình trung, vãng cảnh, tham quan, xán lạn).
Hay cụm từ “bạn vong niên”, có nghĩa là “bạn chênh lệch về tuổi tác nhưng chơi thân với nhau như bạn bè cùng lứa”, nhưng có nhà báo hiểu “bạn vong niên là bạn cùng tuổi tác” nên viết: “nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhạc sĩ Hoàng Vân là bạn vong niên, cùng sinh năm 1930”.
Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Ngôn ngữ luôn biến đổi, phát sinh và phát triển, nhưng không vì thế mà những người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa “sáng tạo” quá đà, làm méo mó tiếng Việt.
Nhà văn Uông Triều có lần viết: “Sự trong sáng của tiếng Việt là sự uyển chuyển và thích ứng, không quá cứng nhắc nhưng cũng không dễ dãi buông tuồng. Một liều lượng thích hợp và được kiểm soát, kể cả với thói quen xã hội và các văn bản chính thức là một điều cần thiết”.
Người làm báo – được ví như những “lực điền” luôn phải cày xới nhọc nhằn trên cánh đồng chữ nghĩa. Do vậy, chuyện liên tục học hỏi, trau dồi được đặt ra để góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vừa bảo vệ và phát triển tiếng Việt.
Báo chí thời 4.0 phải đáp ứng yêu cầu đưa thông tin khách quan, trung thực, nhanh chóng, kịp thời, nhưng không vì thế mà người làm báo vội vàng, cẩu thả trong dùng câu chữ.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/chuyen-chinh-ta-tren-bao-chi-3136766.html