Miền rộn ràng
Sau mấy ngày lang thang cùng bạn bè ở Bạc Liêu, chúng tôi chia tay với đờn ca vọng cổ và Dạ cổ hoài lang, tiếp tục theo quốc lộ 1A hướng về Cần Thơ, chỉ chừng 50 cây số là đến được Sóc Trăng.
Ôi, chỉ cần nghe tới Sóc Trăng là trái tim lũ chúng tôi rộn ràng không kể xiết. Bạc Liêu với tôi là đượm buồn, Bến Tre là hoài niệm. Vô vàn miền đất trên con đường cái quan với những màu sắc rất riêng trong tâm thức. Với Sóc Trăng, luôn là những miền rộn ràng và vui tươi nhất trong tôi.
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển trên dải đất Nam Bộ, nằm ở hạ lưu sông Hậu Giang. Trong chín nhánh Cửu Long đổ ra biển từ sông Tiền và sông Hậu, thì đến hai nhánh nằm ở Sóc Trăng là Trần Đề và Định An.
Vì vừa chịu ảnh hưởng của phù sa ngọt và muối mặn xâm thực, đặc thù thổ nhưỡng ở Sóc Trăng vừa đa dạng, nhưng cũng vừa thách thức cho sản xuất tại địa phương.
Với tình hình xâm thực nặng vào mùa khô dạo gần đây ở miền Tây, có lẽ Sóc Trăng sẽ là tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Không biết chừng, bao lâu nữa miền Tây sẽ chỉ còn là hoài niệm của đồng bào Khơ Me, Kinh, Hoa, Chăm và rất nhiều dân tộc khác cùng dòng lịch sử bao đời khẩn hoang, để biến xứ rừng thiêng nước độc thành vùng đất trù phú bậc nhất xứ An Nam.
Đó là câu chuyện biến đổi khí hậu của 100 hay 200 năm nữa chúng ta không đoán được. Dầu sao, về Sóc Trăng bây giờ, đồng lúa vẫn mênh mông, thẳng cánh cò bay. Nếu ai chưa về miền Tây bao giờ, chắc không tưởng tượng ra được độ mênh mông vô bờ bến này.
Không như Cà Mau chỉ có Trần Văn Thời, Bạc Liêu chỉ có Hồng Dân, Vĩnh Lợi, thì Sóc Trăng, bao quanh là đồng lúa. Chạy một vòng từ TP. Sóc Trăng (nằm ở trung tâm) tỏa về các hướng như một bàn tay, đánh một vòng cung qua Châu Thành, Mỹ Tú, Ngã Năm, Thạnh Trị rồi về Mỹ Xuyên, Trần Đề và cuối cùng là Long Phú để khép tròn một cung đường, xem ra đi lại ở Sóc Trăng tiện hơn rất nhiều so với Cà Mau và Bạc Liêu.
Đường lớn, đường nhỏ, đường tí hon, bê tông rẽ nhiều ngõ, êm ru dù lâu lâu cũng làm một cú đề-pa bật lên, bật xuống trên mấy dốc cầu đúng nghĩa dốc ở Sóc Trăng.
Miền gặp gỡ
Về thăm mùa gặt nơi đây, tôi ngỡ như bước đi trên những con đường dát vàng, vàng rơm, vàng bông lúa, vàng cả sắc nắng rất dễ thương của vùng đất này.
Ngoài lúa ra, chạy về phía hạ lưu, Sóc Trăng còn có dải cù lao rộng nằm trên huyện Kế Sách, Long Phú và đặc biệt là Cù Lao Dung chạy ra tận cửa biển, với cây trái mát ngọt sum sê, mấy bác nông dân ngó nước lên nước xuống hai lần mỗi ngày để chờ những đổi thay, dù hơi xa xôi.
Cảng biển nước sâu Trần Đề cùng với các tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng… đang trong quá trình xây dựng, khi hoàn thành sẽ tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ. Cầu Đại Ngãi bắc ngang Cù Lao Dung, liền mạch một cung đường từ TP. Hồ Chí Minh qua cầu Rạch Miễu, Hàm Luông và Cổ Chiên.
Định hướng phát triển Sóc Trăng trở thành cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển nước sâu Trần Đề…
Mấy thứ kể trên, dầu có chờ đợi xa xôi đến đâu cũng chẳng làm người Sóc Trăng buồn đi. Đã bao mùa dầm mưa dãi nắng, người Sóc Trăng cứ đều đều mỗi năm mười mấy cái lễ hội mà nổi bật nhất là lễ hội óoc-om boc, đua ghe Ngo của đồng bào người Khmer được tổ chức vào tầm giữa tháng 10 âm lịch. Ở đâu chứ về Sóc Trăng, không thiếu người Khmer và cũng chẳng bao giờ thiếu niềm vui.
Ngược dòng lịch sử sẽ thấy không nơi đâu có sự chung sống hài hòa đến lạ của rất nhiều dân tộc: như Kinh, Khmer và người Hoa ở dải miền Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Cùng vì người Khmer là đại bộ phận của tỉnh Sóc Trăng, nên hầu hết chùa chiền ở đây đều là chùa của người Khmer với đặc thù hình tam giác cân mái chùa ba cấp, có đỉnh nhọn và uốn cong, điêu khắc hình các tiên nữ xinh đẹp, cùng với đó, xung quanh chùa sẽ là những hàng cổ thụ như cây sao hay cây thốt nốt.
Đến Sóc Trăng lần đầu, tôi ngỡ như đang ở tập phim của Tây Du Ký, lúc thầy trò Đường Tăng gặp nạn ở gần Tây Thiên. Chùa Chén Kiểu, chùa Dơi, hay rất nhiều ngôi chùa, đền đài trên dải đất này làm tôi ngỡ như lạc vào xứ sở của Thích Ca Mâu Ni.
Sóc Trăng còn làm tôi nhớ gì nữa? Tôi nhớ nụ cười của em gái Khmer da ngăm và hàng lông mi dài đen láy, có đôi răng khểnh cười tỏa nắng. Con gái Khmer hiền dịu, thương chồng và chăm lo cho gia đình hết mực.
Nếu may mắn cưới một cô gái Khmer như vậy, hãy tin là đời bạn chẳng bao giờ thiếu niềm vui. Em sẽ hát dù kê, em sẽ múa lâm thôn hay em sẽ mỉm cười chào khách gần xa, anh từ đâu đến, anh sẽ đi đâu: “Sóc Xì bai bồn, tâu na bồn, tâu na bồn ơi….”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/chut-tinh-voi-soc-trang-3145219.html