Nỗ lực phát triển sản phẩm
Báo cáo tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, năm 2024, bên cạnh tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều nội dung quan trọng, Sở NN&PTNT Quảng Nam cũng hướng dẫn các địa phương đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời, tổ công tác liên ngành gồm đại diện Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Phát triển nông thôn, Phòng Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản thuộc Sở NN&PTNT đi cơ sở để hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn các địa phương và các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm cũng như hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ OCOP cấp tỉnh, cấp huyện, chủ thể OCOP về triển khai phương án kinh doanh, dự án sản xuất kinh doanh, phát triển sản phẩm; đánh giá, phân hạng sản phẩm; các quy định của nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm; về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đối với sản phẩm là mỹ phẩm và thực phẩm chức năng; đăng ký và xây dựng thương hiệu; ghi nhãn hàng hóa; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; quản lý chất lượng sản phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; thương mại điện tử…
Ông Trần Văn Noa – Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay, năm 2024 UBND tỉnh tiếp tục phân bổ cho ngành liên quan và chính quyền các địa phương gần 11,3 tỷ đồng để thực hiện Chương trình OCOP. Năm nay, tỉnh có 169 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; 18 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.
Cụ thể, UBND cấp huyện đã tiến hành đánh giá hơn 130 sản phẩm (trong đó có 43 sản phẩm công nhận lại) và có 13 huyện đã ban hành quyết định công nhận cho 100 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đồng thời, có 8 sản phẩm các địa phương đề xuất đánh giá phân hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã tiến hành đánh giá, kiểm tra cơ sở, gửi mẫu kiểm nghiệm và kết quả là có 2 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP năm 2024.
Qua 7 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP (2018 – 2024), Quảng Nam có 479 sản phẩm của 376 chủ thể được công nhận là sản phẩm OCOP. Trong đó, có 419 sản phẩm 3 sao, 60 sản phẩm 4 sao. Trình Trung ương đánh giá 5 sao cấp quốc gia đối với 5 sản phẩm, gồm: thực phẩm bảo vệ sức khỏe Saphraton (Nam Trà My), tinh dầu quế Trà My (Bắc Trà My), tiêu Tiên Phước (Tiên Phước), MITRI TEA Trà sâm Ngọc Linh (Phú Ninh), bánh dừa nướng Quý Thu (Quế Sơn).
Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận 3-4 sao là Tiên Phước 47 sản phẩm, Tam Kỳ 38 sản phẩm, Thăng Bình 37 sản phẩm, Điện Bàn 34 sản phẩm, Đại Lộc 30 sản phẩm.
“Chương trình OCOP đã giúp người sản xuất đổi mới tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Các sản phẩm tham gia chương trình được phân phối rộng rãi ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch giúp kinh tế nông thôn từng bước phát triển.
Các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương đã dần được khẳng định thương hiệu, nâng cao chất lượng và được nhiều người biết đến, hướng đến xuất khẩu…” – ông Trần Văn Noa nhìn nhận.
Nhiều hạn chế
Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Nam đánh giá, mặc dù đạt được thành quả lớn nhưng quá trình triển khai thực hiện Chương trình OCOP vẫn còn phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là đội ngũ cán bộ phụ trách, tham mưu Chương trình OCOP tại cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc, thường xuyên thay đổi nên việc triển khai vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Đến tháng 12/2024 vẫn còn một số địa phương chưa tổ chức đánh giá phân hạng hoặc hồ sơ tham gia chất lượng chưa cao, còn nhiều sai sót.
Đáng chú ý, việc rà soát, đăng ký sản phẩm tham gia Chương trình OCOP ở một vài địa phương cấp huyện chưa được đánh giá kỹ càng, còn nhiều sai sót nên dẫn đến tình trạng sau khi sản phẩm được UBND tỉnh thống nhất đưa vào thực hiện năm kế hoạch nhưng lại phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần (sai sót tên sản phẩm, tên chủ thể tham gia).
Trong khi đó, số lượng chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP chiếm tỷ lệ tương đối cao. Đây là đối tượng không ưu tiên, khuyến khích nhiều vì quy mô sản xuất còn ở mức độ nhỏ, thiếu tính liên kết và năng lực quản trị còn nhiều hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường…
Tiếp tục quan tâm hỗ trợ
Ông Trần Văn Noa nói, thời gian tới cần tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ quan OCOP cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng chuyên nghiệp gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các địa phương phải tập trung rà soát, đánh giá các sản phẩm tiềm năng trên địa bàn; tư vấn, hướng dẫn đăng ký, đánh giá, xét chọn ý tưởng sản phẩm tham gia, phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định.
Về phát triển sản phẩm OCOP, đại diện ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, trong đó chú trọng những sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định; ưu tiên những sản phẩm sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo. Hỗ trợ các chủ thể sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO…
Cho nên, thời gian đến cần tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định, đẹp, phù hợp, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Cạnh đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xây dựng một số trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển/nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tổ chức hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm khởi nghiệp. Giải pháp nữa là lựa chọn một số sản phẩm OCOP có khả năng cạnh tranh trên thị trường để thực hiện thí điểm chuyển đổi số…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/chuong-trinh-ocop-chuyen-bien-manh-me-3146645.html