(QNO) – Sáng nay 3/8, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh đánh giá kinh tế – xã hội tháng 7, đề ra nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và những tháng còn lại của năm 2023. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Theo nhận định của UBND tỉnh, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Quảng Nam đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả này nhờ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và địa phương.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, đảm bảo tuân thủ kế hoạch thời vụ; sản xuất công nghiệp, chế biến chế tạo dù chưa được như kỳ vọng nhưng đang dần phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu vận tải kho bãi tăng so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động và tăng trưởng đáng kể. An sinh xã hội đảm bảo; trật tự an toàn xã hội được tăng cường…
Tuy nhiên, những biến động từ kinh tế, chính trị thế giới, kết quả hoạt động của một số ngành kinh tế chủ yếu tháng 7 vẫn chưa thể hồi phục, nên mục tiêu tăng trưởng năm 2023 sẽ gặp rất nhiều thách thức, khó khăn.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng chương trình kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, chương trình công tác của UBND tỉnh; thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng những tháng còn lại của năm 2023.
Ngoài ra, triển khai, tham mưu, đề xuất các giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Không để địa phương bị tăng trưởng âm.
Các sở, ngành, địa phương cần cam kết tập trung nguồn lực, tháo gỡ hồ sơ, thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Các ban quản lý dự án, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng, hoàn thành khối lượng từng hạng mục công trình, đảm bảo an toàn công trình trong mùa mưa bão sắp đến, nhất là các dự án, công trình trọng điểm. Kiên quyết điều chuyển, cắt giảm đối với các công trình không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn. Tăng cường công tác quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Công điện số 470 ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Ngành thuế và các địa phương tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2023, nhất là các khoản nợ đọng thuế; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả.
Nhanh chóng phối hợp, góp ý, bổ sung hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự, thủ tục và các quy đinh hiện hành ngay trong tháng 8 để có thể chuyển trung ương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Các ngành, địa phương theo dõi, chỉ đạo sản xuất, hoàn thành vụ hè thu 2023. Chống hạn, mặn, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Quản lý, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, cung ứng đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Sẵn sàng ứng phó với từng tình huống, từng cấp độ của thiên tai.
Gia tăng kiểm tra, quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo đảm nguồn cung cho các dự án. Chấn chỉnh quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp và hành vi vi phạm…
Đề xuất các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Rà soát quy hoạch, quỹ đất bố trí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ở các dự án đầu tư nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn tỉnh để công khai, giới thiệu cho các doanh nghiệp có đủ năng lực nghiên cứu, đề xuất đầu tư.
Ngoài ra, cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết để khai giảng năm học mới 2023 – 2024 theo kế hoạch. Hoàn thành việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm các trang thiết bị, giải quyết kịp thời tình trạng thiếu giáo viên trước năm học mới. Tăng cường phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm vào thời điểm giao mùa, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan ra diện rộng, đặc biệt dịch bệnh bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng…
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình biến động lao động tại doanh nghiệp, tình hình lao động – việc làm trên địa bàn. Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm, tạo thuận lợi trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch kết hợp giới thiệu sản phẩm OCOP.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số, tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không để xảy ra điểm nóng. Thực hiện nghiêm các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát… còn tồn đọng.