1. Làng Lao Đu (xã Phước Xuân, Phước Sơn) hôm nay có hội. Lễ “cúng lúa trăm” được chính quyền xã tái hiện tại nhà văn hóa, với sự tham gia của tất cả lũ làng. Lễ hội dành cho tất cả.
A Song Kim Anh (11 tuổi) đi chân trần, khoác váy thổ cẩm, hòa cùng các chị, các mẹ trong vòng tròn lớn giữa sân theo điệu múa truyền thống.
Kim Anh nhảy và hát, say sưa giữa đám đông có rất nhiều người lạ. “Em muốn được tham gia hội. Năm nào ở làng cũng có lễ cúng lúa trăm, cũng dâng lúa lên thần linh, ăn mừng lúa mới, ca hát và nhảy múa. Đó là ngày vui của cả làng”, Kim Anh nói.
Lễ “cúng lúa trăm” như một lệ làng trong tiềm thức người Lao Đu. Những mùa rẫy, có khi bội thu, có hồi thất bát, nhưng từ những cánh rẫy nhọc nhằn, hạt lúa theo chân người về nhà để có mặt trong lễ cúng, như lời tạ ơn.
Bao nhiêu năm vẫn vậy, người Lao Đu duy trì lễ “cúng lúa trăm” cho gia đình mình, cho làng, cho bao thế hệ sinh ra, lớn lên ở vùng đất còn nhiều gian khó.
“Gia đình nào thu hoạch đủ một trăm “teo” (gùi) lúa trở lên, phải mổ một con heo để đãi làng. Năm này thất bát, thì sẽ chờ năm sau để “cộng dồn”. Phụ nữ chủ trì lễ cúng, còn đàn ông chỉ có nhiệm vụ duy nhất là đi tìm thịt.
Cả làng sẽ thống nhất chọn ra người chủ trì lễ cúng. Người được chọn sẽ là người làm được nhiều lúa, nhiều bắp, nhiều sắn nhất. Họ chịu trách nhiệm về lễ, và chịu cả trách nhiệm về tâm linh cho mùa sau” – bà Y Bẩm, người chủ bái trong lễ cúng lúa trăm nói.
Những người phụ nữ nối đuôi theo chân bà Y Bẩm ra cánh rẫy ở con suối đầu làng. Ở đó, họ “hái lúa” bằng tay, nắm từng nắm lúa cho vào giỏ, vào gùi, rồi mang về kho lúa ở nhà. Họ trải qua rất nhiều nghi thức.
Chuẩn bị cho nghi lễ cúng lúa trăm, già làng sẽ xem mặt trăng chọn ngày tốt tổ chức lễ cúng. Đàn ông vào rừng săn bắt, lưới cá, sửa sang lại kho lúa. Phụ nữ trong gia đình thì giã lúa, tìm lá gói bánh, hoa quả… đã thu hoạch để dâng lên thần linh.
Ngoài ra, đồ cúng còn có linh vật tế thần như trâu, heo, gà, rượu cần, các loại giống cây trồng…. Trong số các vị thần linh, thần lúa là vị thần đặc biệt được rước về chứng kiến gia đình, dân làng tổ chức cúng lúa trăm.
Bà Y Bẩm luôn dẫn đầu đoàn người làm lễ cúng. Quan niệm của người Bh’noong, phụ nữ là người có bàn tay khéo léo, giỏi giang, làm ra những sản phẩm nuôi sống con người, làm cho gia đình được ấm no, hạnh phúc.
Họ sẽ là người quyết định lớn nhất trong gia đình. Một gói lá lớn được mang đến trải ra mời gọi thần linh, đặc biệt là thần lúa về chứng giám. Họ dâng heo cúng, dâng các lễ vật lên thần linh, rồi rót rượu. Từng người một, họ chuyền tay nhau ống rượu cần, uống rượu, và ca hát. Trống chiêng vang lên, rộn ràng, mời gọi…
2. Già A Song Ba lưng trần, tay giơ cao vạt thổ cẩm, nhịp bước theo điệu nhảy giữa cuộc hội. Ông là một trong những cư dân đầu tiên của làng rời Đăk Glei (Kon Tum) để xuôi theo con nước, sống sót qua dịch tả kinh hoàng, rồi mới dừng lại chọn lập làng ở Lao Đu.
Ba mươi năm, ký ức đôi lúc mờ như dấu mưa gió trên vách nhà, mọi thứ cứ đến và đi, gian khổ và hạnh phúc, mất mát và ấm no, như nhiên. Người Lao Đu đã như mạch nước nguồn, xuôi về, trải qua bao va đập. Nhiều người như già A Song Ba “mở mắt, nhìn thấy mặt trời mới biết mình đang còn sống”…
“Lễ “cúng lúa trăm” chỉ duy nhất những lời tạ ơn. Dù năm đó có mất mùa, đói kém, không một ai trách móc. Người Bh’noong trân quý từng hạt gạo về đến sân nhà, nuôi lấy từng mạng sống. Lúa từ rẫy về, sẽ phải có một lễ cúng sum vầy, cho gia đình, cho lũ làng cùng chung vui để cùng cầu mong những mùa mới bội thu, về sau” – già A Song Ba kể.
Lần đầu tiên, lễ cúng lúa trăm được chính quyền tổ chức. Và nó trở thành sự kiện văn hóa của xã Phước Xuân, thay cho lễ cúng vốn chỉ tồn tại như một “hương ước” trong đời sống. Ngành văn hóa đã nỗ lực tham vấn người già trong làng để nghi thức được tổ chức nguyên bản, đủ đầy và trang trọng nhất.
Ông Hồ Công Điểm – Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói, “Cúng lúa trăm” là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc của người Bh’noong nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nói chung. Tập tục này nhằm khơi dậy, lan tỏa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào.
“Những mảnh ghép của đời sống văn hóa luôn là thứ gia tài quý giá mà chính quyền và cộng đồng đều muốn gìn giữ. Giữ lấy văn hóa, để bảo tồn bản sắc của đồng bào vùng cao Phước Sơn và hướng tới câu chuyện xa hơn là định hình sản phẩm phục vụ du lịch cộng đồng. Chúng tôi đã và đang duy trì ngày hội văn hóa Bh’noong cấp huyện, đồng thời đầu tư, tìm cách phục dựng những nghi thức, tập tục truyền thống” – ông Hồ Công Điểm nói.
Trống chiêng nổi lên, vang vọng. Lũ làng đã hòa vào vòng tròn lớn, mặc cho những ống kính đang chìa về phía họ, mặc cho du khách đang nhìn mình.
Vài phút trước, họ đã cùng nhau nghiêm cẩn hướng ánh nhìn về phía bà Y Bẩm, thực hiện đúng từng thao tác, từng cái vung tay, chuyền nhau ống rượu cần.
Và giờ, cuộc chơi là của họ. Là “phục dựng”, nhưng chúng tôi cảm giác họ đang sống trong chính lễ cúng của mình, phục vụ cho niềm tin tâm linh của chính mình.
Già A Song Ba nói, năm nào làng Lao Đu cũng tổ chức lễ “cúng lúa trăm”. Tự người làng tổ chức, tất nhiên sẽ không hoành tráng bằng hôm nay, khi chính quyền hỗ trợ để cả làng cùng phục dựng lễ cúng.
Lễ hội, nghi thức, hay niềm tin tâm linh của người miền núi gắn liền với đặc thù về phong tục tập quán. Đó là thứ đã ăn sâu vào máu thịt của đồng bào. Chúng không mất đi, để phải kỳ công “phục dựng”.
Chúng chỉ nằm đâu đó, im hơi, khi cuộc sống vẫn chưa thực sự đủ đầy, khi những giao thoa vô hình đến và xâm lấn, chiếm hữu tạm thời cộng đồng của họ.
Nếu là mất, chỉ mất trong sự ngộ nhận của những người ngoài cuộc, những người đang đứng đây và nhìn họ hân hoan, say sưa với vũ điệu, trống chiêng và rượu cần kia.
Không điều gì bên ngoài có thể xóa đi niềm tin tâm linh, vào quan niệm, vào tập tục của người làng. Nó vẫn ở đó và chỉ đợi dịp bùng lên.
Già A Song Ba, bà Y Bẩm, A Song Kim Anh hay những nam nữ thanh niên của làng Lao Đu vẫn ở đó, không quay lưng với thần linh và trời đất, với rừng, không từ bỏ cái gốc mà mình đã sinh ra. Những giá trị văn hóa đang sống và luôn sống.
Đời sống hiện đại, đã không cho phép người vùng cao sống đời nguyên thủy. Nhưng những khao khát nguyên thủy luôn đợi dịp để bùng lên.
Cây lúa rẫy sống nhờ những cơn mưa. Và lễ hội, đời sống, hay những khao khát của người làng cũng đang chờ những cơn mưa gieo xuống, để lặng lẽ nẩy mầm…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/cho-mot-con-mua-3137158.html