Chiều 25/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tiếp tục điều hành phiên thảo luận ở hội trường về Báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 (Nghị quyết 43)”.
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đánh giá, Nghị quyết 43 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, đã hỗ trợ công tác phòng chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội đạt kết quả tích cực; cổ vũ, động viên nhân dân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, việc triển khai một số chính sách vẫn chưa thật sự phù hợp, gây nhiều khó khăn, hạn chế.
Cụ thể, về chính sách tài khóa, các dự án nhóm B thường được triển khai trong 4 năm nhưng dự án thuộc chương trình mang tính cấp bách bắt buộc triển khai trong 2 năm và không thuộc trường hợp được phép chỉ định thầu theo khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết 43. Vẫn phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng; các bước khác cũng theo quy trình thực hiện dự án thông thường nên quá trình tổ chức, triển khai gặp rất nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.
Một số dự án y tế đề xuất vẫn chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, hiện đại hóa cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề thuộc ngành LĐ-TB&XH chưa thật sự phù hợp.
Đối với chính sách tiền tệ, trong 10 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng cho vay rất chậm; một số chính sách không xác định rõ đối tượng hỗ trợ hưởng thụ, nhiều doanh nghiệp, người dân thuộc đối tượng chính sách không tiếp cận được nguồn lực hỗ trợ; niềm tin của ngân hàng thương mại với khách hàng và thị trường cũng gây trở ngại tăng trưởng tín dụng.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, nâng đỡ doanh nghiệp tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19, chống chịu với những biến động mạnh của thị trường. Trước tác động của tình hình trong nước và quốc tế, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm một số nội dung sau:
Một là, đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cũng như các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, tiếp tục cho áp dụng giải pháp giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp; cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân các dự án sang cuối năm 2025.
Mặt khác, trong khi chờ sửa đổi Luật Khoáng sản, đề nghị Quốc hội có cơ chế cho phép các địa phương đơn giản thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ các dự án đầu tư tại địa phương để khơi thông ách tắc, đẩy nhanh thực hiện các dự án, công trình, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Hai là, đề nghị Chính phủ điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực (tín dụng, đất đai, tài nguyên,…).
Ba là, đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sử dụng hiệu quả nguồn vốn của chương trình theo Nghị quyết 43. Tập trung xây mới, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; trong đó, quan tâm đầu tư trạm y tế cấp xã, bổ sung danh mục thuốc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho người dân.
Bốn là, đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện chỉ định thầu theo cơ chế đặc thù để thực hiện các chương trình, dự án của Nghị quyết 43; đề xuất bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất theo các chương trình tín dụng trước đây.
Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế vượt qua các giai đoạn khó khăn, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ y tế, các chính sách lao động, thương binh và xã hội tác động trực tiếp đến người dân để phát triển kinh tế – xã hội bền vững.