Đó là một trong những đánh giá của UBND tỉnh tại phiên họp giải trình do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào cuối tuần qua về “Tình hình, kết quả thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của tỉnh trong chương trình cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021 – 2025”. Đây là phiên họp giải trình đầu tiên được HĐND tỉnh tổ chức trong nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, Nguyễn Công Thanh chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng, cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thái Bình, Trần Nam Hưng, Trần Anh Tuấn.
Nhiều hạn chế
Ông Hà Đức Tiến – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, những năm qua, thực hiện chủ trương, quy định của Trung ương, Tỉnh ủy và HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình CCHC, tập trung vào các nhiệm vụ như hoàn thiện thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, tài chính công; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện chương trình của giai đoạn 2021 – 2025, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế đáng quan tâm. Đó là chưa tạo ra được khâu đột phá lớn; kết quả xếp hạng các chỉ số CCHC của tỉnh còn nằm ở vị thứ thấp.
TTHC trên một số lĩnh vực còn rườm rà; giải quyết TTHC nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hiệu quả…
Theo bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ, mặc dù UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch khắc phục nhưng các chỉ số đánh giá quản trị công của tỉnh liên tục tụt giảm qua các năm; một số tiêu chí thành phần đạt thấp, không có sự cải thiện.
Theo đó, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 của tỉnh đạt 84.6 điểm, xếp vị thứ 56/63 tỉnh, thành phố (trong đó lĩnh vực về cải cách TTHC xếp vị thứ 62/63); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAR) đứng vị thứ 59/63.
Riêng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tỉnh Quảng Nam xếp vị thứ 48, giảm 17 bậc so với năm 2022, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm “trung bình – thấp”.
Theo bà Hoa, cải cách TTHC vẫn là điểm yếu trong công tác CCHC của tỉnh do việc công bố, công khai TTHC còn chậm và tỷ lệ hồ sơ trễ hạn còn cao.
Trong 8 chỉ số nội dung của PAR INDEX thì có 1 chỉ số nằm trong nhóm đạt điểm “trung bình – cao” (cung ứng dịch vụ công), 2 chỉ số nội dung nằm trong nhóm đạt điểm “trung bình – thấp” (tham gia của người dân cấp cơ sở; quản trị môi trường), 5 chỉ số nội dung trong nhóm đạt điểm nhóm “thấp” (công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; quản trị điện tử).
Cần nhìn rõ trách nhiệm
Tại phiên họp giải trình, UBND tỉnh đã nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh về những giải pháp nào để nâng cao chỉ số CCHC. Trong đó có việc đầu tư trang thiết bị, nâng cấp hạ tầng viễn thông và các phần mềm phục vụ cho công tác cải cách TTHC; thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở miền núi còn nhiều khó khăn; tình trạng hồ sơ quá hạn, trễ hẹn, chậm xử lý trên lĩnh vực đất đai, môi trường…
Ông Nguyễn Công Thanh – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, qua theo dõi, giám sát cho thấy dịch vụ công trực tuyến của tỉnh còn nhiều vấn đề. Với dịch vụ công trực tuyến, nếu chỉ đầu tư về hạ tầng của Nhà nước là chưa đủ, mà còn cả nhận thức, kiến thức của người dân, hạ tầng viễn thông…
Ông Thanh nêu thực trạng trong giải quyết TTHC hiện nay đó là làm trực tiếp nhanh hơn trực tuyến, do đó muốn thay đổi thì làm sao trực tuyến phải nhanh hơn trực tiếp, như vậy mới khuyến khích, thu hút người dân sử dụng.
Ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, trong CCHC của tỉnh, quy trình thủ tục ban hành khá đầy đủ nhưng tụt hạng là do cách triển khai thực hiện. Đầu tiên là ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ, đạo đức công vụ, đây là vấn đề cần xem xét đánh giá thực chất.
Tình trạng trễ hẹn, chậm… là do một số trường hợp chuyển hồ sơ chậm, trách nhiệm không rõ ràng, hỏi ý kiến nhiều lần… Do đó, cần cải cách nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng các chỉ số CCHC của tỉnh thấp, tụt hạng bởi nhiều lý do như TTHC còn rườm rà, chồng chéo. Việc xử lý hồ sơ TTHC tại bộ phận một cửa còn chậm, lòng vòng, chưa kể có nơi còn nhũng nhiễu, gây khó khăn. Một số cán bộ, lãnh đạo e dè, không dám ký hồ sơ nên trễ hẹn…
Thời gian đến, UBND tỉnh sẽ cương quyết không ban hành thêm thủ tục không cần thiết, luật không quy định và cắt bỏ một số thủ tục rườm rà. Đồng thời chỉ đạo các ngành ban hành các bộ quy trình giải quyết thủ tục một cách cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ thời gian để tiến hành giám sát, xử lý trên các lĩnh vực đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản, đo đạc, chỉnh lý đất đai…
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng đề nghị UBND tỉnh, các sở ban ngành, địa phương phải “nhìn thẳng vào sự thật, dám nói ra sự thật và phải có giải pháp căn cơ” để khắc phục hạn chế.
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng nói: “Thực tế các chỉ số của Quảng Nam quá thấp, trong khi những địa phương có điều kiện tương đồng, thậm chí nhiều địa phương còn khó khăn hơn, tại sao họ làm được? Tôi đề nghị các đồng chí suy nghĩ, chứ lúc nào cũng cho rằng do nguyên nhân khách quan mà không thấy tính quyết liệt, trách nhiệm của sở ngành, cá nhân liên quan… thì chắc chắn những nội dung giải trình hôm nay chưa thể giải quyết được ngày một, ngày hai”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/phien-hop-giai-trinh-ve-cai-cach-hanh-chinh-chinh-quyen-quang-nam-n-hin-thang-han-che-de-co-giai-phap-khac-phuc-3141638.html