Trà sữa “hạ nhiệt”
Tháng 5/ 2024, hãng trà sữa -18 độ tuyên bố đóng cửa, khiến nhiều người ngậm ngùi. Với những người thế hệ 8X, 9X, -18 độ từng là số 1 về độ sang trọng, hoành tráng và “kool ngầu”.
Nhiều người xem -18 độ là thanh xuân, bởi họ dành rất nhiều ngày lê la trong hệ thống quán này. Trước đây, trà sữa Ten Ren từng hoành tráng khắp cả nước với gần 30 cửa hàng, cũng đành chấp nhận giương cờ trắng, đóng tất cả hệ thống.
Các hãng trà sữa lớn khác như Bobapop, Dingtea, TocoToco, Royaltea, LeeTee, Alley… sau vài năm tung hoành khắp cả nước, nay đã giảm nhiệt và cầm cự. Đơn giản, bởi trà sữa đã qua “trend” (xu hướng).
Từ chỗ giới trẻ chấp nhận bỏ 70-80 ngàn đồng để mua một ly trà sữa, thậm chí phải xếp hàng rồng rắn để mua cho bằng được, nay chẳng mấy ai nóng sốt. Trà sữa “hạ nhiệt”, chỉ còn được xem như thức uống thông thường.
Kinh doanh F&B theo trend như đi trên dây. Người kinh doanh vừa bán hàng vừa hồi hộp nghe ngóng, giới trẻ rục rịch thay đổi sở thích là người làm kinh doanh phải hối hả đuổi theo.
Chạy đuổi theo Gen Z
Hiện nay, đa số người kinh doanh F&B theo trend đều nhắm vào khách hàng là thế hệ gen Z. Gen Z (generation Z) là thế hệ trẻ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012 (một số người cũng nói rằng gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010).
Thế hệ gen Z lớn lên trong môi trường kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ, cùng các xu hướng, trào lưu mới và độc đáo. Với một số gen Z đời đầu, họ tốt nghiệp đại học vào khoảng những năm 2019 – 2020 và đã bắt đầu đi làm, có tiền để tiêu xài.
Vì thế hệ này hiện đại nên họ nắm bắt xu hướng trên thế giới rất nhanh nhạy. Điều này cũng khiến người kinh doanh phải nhạy theo. Khốc liệt hơn, trend ăn uống của gen Z ngày càng thay đổi nhanh.
Đầu năm 2023, bánh chuối chiên Malaysia gây sốt. Giữa năm 2023, bánh đồng xu (bánh có nhân là phô mai, nhỏ như đồng xu) khiến giới trẻ sôi sục. Cuối năm 2023, sinh tố chanh tuyết (xay cả vỏ chanh, dùng loại chanh lạ có xuất xứ từ Trung Quốc) khiến giới trẻ săn lùng. Nhưng sang đầu năm 2024, mọi thứ đã khác.
Đầu năm 2023, nhận thấy xu hướng “ăn sập sàn chuối chiên Malaysia”, tôi đầu tư mở chuỗi chuối chiên cao cấp Zero7 với slogan “Không ngậm dầu, giòn 7 tiếng”.
Ngày đầu mở bán, các nhân viên còng hết cả lưng vì khách xếp hàng mua liên tục. Dù tăng công suất, chúng tôi vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của khách hàng.
Nhưng đến tháng 1/2024, chỉ sau 3 tháng “bán sập sàn”, doanh thu tụt hẳn. Chúng tôi cay đắng nhìn nhận, bánh chuối chiên đã qua trend. Cũng như bánh đồng xu, từ chỗ chen chúc chờ mua, nay giới trẻ thờ ơ với loại bánh này.
Người trẻ lạ lùng
Số phận của sinh tố chanh tuyết còn ngắn ngủi hơn. Sau vài tháng sốt, nay chẳng ai đoái hoài. Cái khó của những người làm kinh doanh F&B theo trend là không đoán trước được điều gì.
Ngay cả đại gia trong làng F&B là Phúc Long, từ chỗ tạo ra ly trà đào, bán đến 80 nghìn đồng/ ly nhưng pha chế không kịp vì giới trẻ mua quá đông, chỉ sau 1 năm, nay mấy ai vô Phúc Long mua trà đào nữa?
Chính ông chủ của Phúc Long cũng thừa nhận, phải tạo ra món gì đó thật mới lạ để chiều bọn trẻ, chiều được rồi thì liên tục nghĩ ra món mới khác bởi bọn trẻ “cả thèm chóng chán”.
Như vậy, kinh doanh món ăn đường phố, món giải khát, đồ ăn vặt có tính bền vững không? Về mặt sản phẩm thì không thể bền vững. Người kinh doanh buộc phải đuổi theo nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ – trong lúc họ lại thay đổi rất nhanh. Vì thế, đuổi theo rất mệt. Do vậy, tính bền vững chỉ có ở góc độ “bền bỉ đuổi theo”.
Ai có sức bền, không ngại thay đổi, không ngại thất bại thì tiếp tục. Chính giới trẻ cũng không biết sắp tới mình thích ăn gì, uống gì, thì sao người kinh doanh F&B phục vụ giới trẻ có thể đoán được?