Anh Phạm Công Thạch cho biết, năm 2019 anh tốt nghiệp Học viện Hành chính TP.Hồ Chí Minh và vào làm việc tại một số công ty ở thành phố với mức lương khoảng 15 – 20 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, anh đành bỏ công việc ổn định thành phố về quê. Trải qua vài công việc song thấy không phù hợp, anh chọn nghề làm nhang của gia đình để khởi nghiệp.
“Khi tôi chọn khởi nghiệp với nghề làm nhang sạch, gia đình hoàn toàn chưa ủng hộ vì tôi từ bỏ một công việc ổn định với mức lương tốt, nhưng vì kế thừa nghề truyền thống đã 4 đời từ gia đình và được sống gần nhà, nên tôi có thêm tự tin và quyết tâm khởi nghiệp” – anh Thạch chia sẻ.
Anh Thạch cho biết thêm, từ một người làm văn phòng rồi chuyển sang làm nhang đối với anh thật sự rất khó. Anh mày mò học quy trình pha trộn nguyên liệu và công các công đoạn làm nhang từ người cậu ruột.
Sau gần 2 năm học nghề, anh Thạch đã thành thạo các kỹ năng làm nhang. Cạnh đó, anh còn góp 200 triệu đồng cùng với người cậu mua nguyên liệu, máy móc để việc sản xuất nhang đạt năng suất cao hơn.
Để làm ra những mẻ nhang sạch, anh Thạch dùng 100% nguyên liệu từ tự nhiên như quế, bách thảo, trầm, tre, bời lời. Tất cả các nguyên liệu được anh chọn kỹ lưỡng, không pha trộn hóa chất trong quá quy trình sản xuất và bảo quản.
“Khách hàng ngày càng có xu hướng dùng sản phẩm sạch để tốt cho sức khoẻ, vì vậy mỗi khi sản xuất nhang tôi đều lưu mẫu và gửi kiểm định chất lượng rồi mới đóng gói và cung cấp ra thị trường.
Khác với nhang trên thị trường, nhang của cơ sở tôi sản xuất khi đốt cháy có mùi thơm nhẹ, ít tro tàn, mùi nhang này có thể làm giảm căng thẳng, mệt mỏi nên khách hàng rưa chuộng” – anh Thạch nói.
Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của anh Thạch sản xuất khoảng 500kg nhang dạng thẻ, sợi tròn.
Trên mỗi hộp nhang đều có in rõ ngày sản xuất, nguồn gốc, xuất xứ và mã vạch để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc.
Hằng ngày anh Thạch tiêu thụ khoảng 5-20kg nhang, thu nhập trừ hết các chi phí vào khoảng 5 triệu/tháng, khách hàng ngày càng sử dụng phổ biến nên thu nhập dự kiến cũng sẽ tăng theo.
Khách hàng tiêu thụ nhang của anh ở khắp các tỉnh thành trong cả nước như Quảng Nam, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Hà Nội… và nhiều du khách châu Âu, châu Á cũng mua đặt hàng.
Ngoài việc bán sỉ và lẻ nhang sạch tại cơ sở, anh Thạch còn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Anh ấp ủ sẽ đưa sản phẩm vào OCOP nhằm quảng bá và nâng tầm thương hiệu nhang sạch phố Hội.
Không chỉ phục hồi nghề sản xuất nhang truyền thống, anh Thạch còn linh hoạt lồng ghép cơ sở thành điểm du lịch trải nghiệm. Khi du khách đến thăm quan, có thể tự tay làm nhang và chụp ảnh kỷ niệm.
Đến nay, cơ sở làm nhang của anh Thạch đang dần hoàn thiện, mỗi ngày có hàng chục lượt khách quốc tế và trong nước đến tham quan trải nghiệm.
“Tôi đang cải tạo sân vườn, trồng thêm hoa cảnh, bố trí lại chỗ để nguyên liệu, kệ trưng bày nhang bài bản, đẹp mắt hơn. Tôi hi vọng, thời gian tới sẽ có nhiều du khách biết đền cơ sở và sản phẩm ngày càng tiêu thụ nhiều hơn” – anh Thạch chia sẻ.
Bà Đỗ Thị Bích Thuỷ – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim cho biết, Hiện tại ở địa phương có 2 hộ làm nhang thủ công. Anh Phạm Công Thạch đã đăng ký giấy phép kinh doanh làm nghề làm nhang ở xã.
Thời gian qua, chính quyền xã có tổ chức tập huấn cho Thạch về kỹ năng khi tham gia Tổ hợp tác du lịch cộng đồng Kim Bồng (Cẩm Kim). Hiện nay, tổ này có 70 người với hơn 20 nghề thủ công như dệt chiếu cói, mộc, biển, nhang…
“Chính quyền xã cũng khuyến khích các bạn trẻ khởi nghiệp, yêu giữ nghề thủ công để bảo tồn làng nghề và phát triển thành điểm đến du lịch thu hút khách du lịch đến trải nghiệm” – bà Thuỷ nói.
[VIDEO] – Anh Thạch chia sẻ về việc chọn nghề làm nhang để khởi nghiệp: