(QNO) – Tại buổi họp trực tuyến với UBND huyện Tây Giang về tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 – 2025, diễn ra vào chiều nay 14/11, sau khi nghe báo cáo của địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn – Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh yêu cầu Tây Giang cần nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời kiểm điểm các phòng ban và cá nhân có liên quan.
Theo ông Trần Anh Tuấn, sau thời gian triển khai, Tây Giang vẫn “chưa có gì mới”, nhất là chậm giải ngân vốn khiến nhiều chương trình chưa thể triển khai đúng tiến độ.
Trách nhiệm này, trước hết thuộc về Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) huyện, sau đó là các phòng ban có liên quan. Vì thế, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và nỗ lực khắc phục hiệu quả trong thời gian tới.
Giải ngân… “0 đồng”
Báo cáo tại cuộc họp, ông Mạc Như Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, thời gian qua, mặc dù địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, nhưng do vướng một số khó khăn đặc thù nên nhiều dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình MTQG chưa thể giải ngân theo tiến độ.
Theo ông Phương, ngoài Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 1, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội với tổng vốn bố trí hơn 135,4 tỷ đồng, kết quả giải ngân đạt 29,62%; các tiểu dự án, dự án khác giải ngân rất thấp, thậm chí là không thể giải ngân vốn.
Cụ thể, như Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (tổng vốn ngân sách bố trí hơn 7,5 tỷ đồng), mặc dù nguồn vốn bố trí phân bổ thực hiện các hạng mục đầu tư, nhưng đến nay, kết quả giải ngân là… “0 đồng”. Một số dự án đầu tư khác vẫn đang trong quá trình thẩm định hồ sơ.
Tương tự, Tiểu dự án 1 hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Dự án 3 – hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) có tổng vốn bố trí gần 4 tỷ đồng và Tiểu dự án 2 cải thiện dinh dưỡng, với nguồn vốn bố trí hơn 723 triệu đồng, nhưng kết quả giản ngân đều “0 đồng”.
Ngoài ra,Tiểu dự án 2 hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thuộc Dự án 4 – Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững) cũng có kết quả giải ngân “0 đồng”. Trong khi đó, nhiều tiểu dự án, dự án cũng có kết quả giải ngân rất thấp, thậm chí chỉ đang làm thủ tục giải ngân vốn.
Riêng các Dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh các dự án chưa thể giải ngân, vẫn có một số dự án đạt tỷ lệ giải ngân 32% trở lên.
“Quá trình triển khai, chúng tôi gặp một số khó khăn, vướng mắc khiến việc giải ngân chậm tiến độ. Cụ thể, khối lượng văn bản hướng dẫn của trung ương, của tỉnh quá nhiều nhưng lại thiếu tính thống nhất, chưa sát thực tế và sửa đổi nhiều lần dẫn đến chậm trễ. Bộ máy giúp việc cho cả 3 chương trình MTQG trên địa bàn huyện hoạt động kiêm nhiệm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn đặt ra…” – ông Phương nói.
Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm
Ông Hà Ra Diêu – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cho đến thời điểm này, Trung ương, tỉnh đã có hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG. Tuy nhiên, nhiều địa phương miền núi đọc không kỹ hướng dẫn nên quá trình triển khai còn lúng túng.
“Nhiều dự án triển khai khá chậm. Tây Giang cần giải trình cụ thể, có những nội dung nào cần hỗ trợ, các đồng chí cử ngay cán bộ ở các phòng ban có liên quan trực tiếp xuống Ban Dân tộc tỉnh để chúng tôi hướng dẫn, kịp thời giải quyết. Không thể để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án, chương trình. Chỗ nào vướng, sẽ tìm cách nghiên cứu giải quyết, tháo gỡ” – ông Diêu nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, cần phải thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, thiếu sót chỗ nào để tìm cách tháo gỡ, hướng đến mục tiêu phát triển chung. “Trong này, một số dự án các đồng chí nêu ước đến cuối năm sẽ giải ngân vốn 100%. Điều đó tôi hoàn toàn hoan nghênh. Nhưng cần phải nói rõ bằng cách nào để giải ngân đạt được như vậy?” – ông Trần Anh Tuấn đặt vấn đề.
Bên cạnh tiếp thu các ý kiến góp ý từ đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, ông Trần Anh Tuấn đề nghị Tây Giang nghiêm túc rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Từ nay đến cuối năm 2023, nỗ lực hoàn thành báo cáo chi tiết, cụ thể của các dự án thuộc 3 Chương trình MTQG.
“Sau cuộc họp này, huyện cần ngồi lại làm việc với các phòng ban liên quan được giao trách nhiệm, kiểm điểm trách nhiệm về vấn đề chậm trễ. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc thông báo kết luận ngày 11/9/2023 và có biểu đồ so sánh trong triển khai công việc của từng chương trình. Chúng ta làm không vì công việc của bản thân mà là để phục vụ cho lợi ích của người dân, cho sự phát triển của địa phương miền núi” – ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đối với các nguồn vốn không thể thực hiện, ông Trần Anh Tuấn yêu cầu khẩn trương rà soát, báo cáo về UBND tỉnh. Những tháng cuối năm, cần nỗ lực triển khai công việc giải ngân; huyện yêu cầu các phòng ban, các chủ đầu tư được giao thực hiện cam kết triển khai thực hiện một cách có hiệu quả, không để chậm trễ tiếp tục kéo dài như trước đây.
Từ năm 2022 – 2023, tổng nguồn vốn phân bổ các chương trình mục tiêu quốc gia cho Tây Giang hơn 380,2 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư hơn 278,7 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 101,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10/2023, địa phương này chỉ mới giải ngân hơn 146,4 tỷ đồng vốn đầu tư (đạt 52,54% kế hoạch) và hơn 8,7 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 8,65% kế hoạch vốn).