Hiện Khoa đã chọn ngành Công nghệ hóa của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM với hình thức tuyển thẳng.
Tuổi thơ khép kín với những tình thương đổ vỡ
Sinh ra trong một gia đình nghèo, nghèo cả vật chất lẫn tình thương của cha mẹ khiến Nguyễn Đăng Khoa chọn cách sống khép mình ngay từ nhỏ.
Bà Trần Thị Hồng Xuyến, 35 tuổi – mẹ của tân sinh viên Nguyễn Đăng Khoa – kể, bà cùng chồng cũ của mình đều xuất thân con nhà nghèo. Sau khi sinh Nguyễn Đăng Khoa, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã rồi đường ai nấy đi.
Bà Xuyến ôm con về nhà ngoại sống nương nhờ. Được một thời gian, cha mẹ của Khoa đều đi tìm hạnh phúc mới. Khoa sống cùng ông bà ngoại ở ngoài vuông tôm, thiếu đi hơi ấm của cha và mẹ khi mới lên 5 tuổi.
Nhà ngoại cũng nghèo, thu nhập chỉ phụ thuộc vào vài công ruộng năm được năm thất. Nhưng với quyết tâm không để cháu nghỉ học giữa chừng, ông bà ngoại cũng ráng vay mượn để cháu được đến trường.
Rồi tuổi ông bà ngoại ngày càng lớn, con đường đến trường phải len lỏi giữa những bờ ruộng gập ghềnh nên khi Khoa lên 8 tuổi lại phải đứng giữa hai lựa chọn: Hoặc về ở với mẹ và cha dượng để tiếp tục đi học, hoặc phải nghỉ học.
Khoa muốn đi học.
Mẹ ráng đi làm kiếm tiền lén chu cấp cho tôi đi học. Còn tiền của cha dượng đưa hàng tháng đủ lo cho em gái”, Khoa nói.
Cha dượng Khoa làm nghề đi biển, hầu hết thời gian đều không ở nhà nhưng hễ ở nhà lại xảy ra cãi vã với mẹ.
“Trong nhà đầy tiếng ồn ào đổ vỡ không có hạnh phúc, đôi khi tôi đau khổ muốn hủy hoại cả bản thân mình. Từ ngày về ở với mẹ và dượng, tôi chỉ nhốt mình trong phòng, không còn muốn nói chuyện với ai. Nhưng rồi tôi nghĩ ra mình nên chọn cách im lặng trước ồn ào và tìm niềm vui khác”.
Những bước ngoặt chạm đến bảng thành tích vàng
Năm thi vào lớp 10, Khoa được chọn vào ngôi trường mà mình yêu thích – Trường THPT Trần Trường Sinh (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Cũng từ đây, Khoa quyết tâm thay đổi chính mình.
Khoa lao vào những đề tài nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề mà địa phương đang phải đối mặt. Đề tài đầu tiên là “Xây dựng hệ thống nước thải trường học bằng phương pháp sinh học kết hợp UV” và đạt giải tư cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm 2021-2022. Năm 2023-2024, Khoa tiếp tục nghiên cứu đề tài “Phân loại định danh nhóm côn trùng gây hại xoài tứ quý trên địa bàn huyện Thạnh Phú” và lại đạt giải.
Khoa tâm sự: “Trong thời gian khủng hoảng nhất bởi ảnh hưởng từ những cuộc bạo hành tinh thần từ những vấn đề của người lớn, may mắn tôi đã tìm được niềm vui cho riêng mình và sống có mục tiêu hơn. Tôi chọn nghiên cứu những đề tài khoa học gắn liền với những vấn đề phát sinh tại nơi mình ở. Trong đó, đề tài nghiên cứu về nhóm côn trùng gây hại xoài tứ quý được nhiều nhà vườn đón nhận”.
Cởi mở bản thân trở thành thủ lĩnh học sinh, đậu 3 trường ĐH
Dù suốt 12 năm đều đạt học sinh giỏi nhưng theo Khoa, 3 năm THPT của mình là quãng thời gian ý nghĩa nhất của đời học sinh. Khoa vừa giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, vừa có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đạt giải, vừa làm tốt vai trò phó bí thư, rồi sau đó là bí thư Đoàn trường THPT Trần Trường Sinh.
Trong năm học lớp 12, trong khi nhiều bạn bè tranh thu đi học thêm, luyện thi thì Khoa lại dành hẳn nửa tháng trời để cùng các anh chị chiến sĩ Mùa hè xanh của trường Đại học Văn hóa TP.HCM tham gia tình nguyện bằng nhiều hoạt động ý nghĩa.
“Đó cũng là thời gian tôi thấy con mình vui vẻ nhất. Thoát khỏi những ngày tháng nhốt mình trong phòng với đống sách vở, nó tham gia hầu hết các hoạt động tình nguyện ở trường, ở xã”, bà Xuyến, mẹ của Khoa kể.
Chia sẻ về bí quyết học của mình, Khoa nghiêm túc nói: Quan trong nhất là mình phải biết sắp xếp. Việc học trên lớp rất quan trọng, nên nắm thật chắc kiến thức trên lớp sau đó về nhà làm bài tập và nghiên cứu sâu hơn và tìm thêm các phương pháp giải. Ngoài thời gian học, nên tham gia các hoạt động đoàn, hội để việc học bớt nhàm chán đồng thời có thêm nhiều mối quan hệ.
Nhờ những công trình khoa học được giải cao và những ngày tháng tình nguyện đầy ý nghĩa đó, năm 2024 Khoa được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ hóa của trường Đại học Công nghiệp TP.HCM.
Ngoài ra, với số điểm xét học bạ 28,23, Khoa cũng đồng thời đậu vào hai trường đại học khác là Trường đại học Giao thông vận tải TP.HCM và Trường đại học Dầu khí Việt Nam.
Vừa trở thành tân sinh viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Khoa lại được bạn bè tín nhiệm giao chức bí thư chi đoàn lớp và đã có một chuyến đi tình nguyện đầu tiên tại tỉnh Bình Thuận.
Lòng tự trọng và khó khăn cần tiếp sức
Dù không trực tiếp giảng dạy Khoa nhưng khi nhắc đến tên, thầy Nguyễn Văn Hận – giáo viên Trường THPT Trần Trường Sinh, vẫn nhớ cậu học trò năng nổ và giàu lòng tự trọng. “Có một lần nhà hảo tâm muốn giúp đỡ các học sinh khó khăn của trường, tôi giới thiệu hoàn cảnh của Khoa, nhưng cậu học trò này quyết từ chối nhận và nhường suất lại cho một hoàn cảnh khó khăn hơn”, thầy Hận, một giáo viên thường xuyên kết nối giúp đỡ học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh Bến Tre, kể lại.
Hiện tại, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời Khoa lại đối mặt với muôn vàn khó khăn. Cha ruột đã có gia đình mới và không còn chu cấp tiền bạc; cha dượng làm cũng chỉ đủ lo cho em gái; còn mẹ đi làm mướn thu nhập bấp bênh cũng không thể trang trải đủ cho 4 năm học đại học của Khoa.
Khoa đã mạnh dạn đăng ký hồ sơ ứng tuyển học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ 2024 với mong muốn giải quyết đươc phần nào gánh nặng chi phí đầu đại học. “Vì chuyên ngành của tôi là Công nghệ hóa học, kiến thức rất nhiều nên đòi hỏi tôi phải luôn tìm hiểu, trau dồi kiến thức, vì vậy trong 10 năm tới tôi vẫn “học, học nữa, học mãi”. Cả khi tôi tốt nghiệp rồi vẫn sẽ vậy. Mục tiêu tôi hướng đến là luôn trau dồi kỹ năng, có thể tìm cho mình một công việc phù hợp với chuyên ngành, trang trải cuộc sống và bỏ qua những tổn thương” – đó là lời tâm sự của Khoa gửi đến Tuổi Trẻ.
Thầy Trần Văn Luận, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 đồng thời cũng là người hướng dẫn trực tiếp Khoa thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học những năm THPT, cho biết Khoa là học sinh rất có năng lực.
“Trong suốt quá trình tôi hướng dẫn thực hiện đề tài, Khoa nắm bắt rất nhanh và thực hiện rất tốt. Khoa còn là một cán bộ đoàn năng nộ, nhiệt huyết. Tuy nhiên, Khoa lại có hoàn cảnh khá đặc biệt, cha mẹ đều có gia đình riêng nên gặp nhiều khó khăn về tài chính trong quá trình học.
Đặc biệt thời gian tới, khi Khoa học đại học, cần chi phí lớn nên nhà trường cũng hỗ trợ hết mình, tìm kiếm các suất học bổng để Khoa không bị bỏ dở việc học”, thầy Luận nói.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ. Chương trình đăng ký học bổng đã kết thúc ngày 20-9-2024.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam và các câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, “Nghĩa tình Phú Yên”; các câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre, Quảng Ngãi và Hội Doanh nhân Tiền Giang – Bến Tre tại TP.HCM, Hội tương trợ và hợp tác Đức – Việt (VSW), Công ty Nam Long, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam… cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.