Sáng 3/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên – Huế thông tin, dự báo từ chiều tối 3 đến 9/11, trên địa bàn mưa to, mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến từ 500 – 850mm, có nơi trên 1.000mm.
Lượng mưa này sẽ gây ra lũ lớn, ngập úng ở vùng thấp trũng, khả năng gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng đồi núi, ven sông, suối.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có công điện yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, địa phương theo dõi thông tin dự báo, diễn biến của mưa lũ và không để bị động, bất ngờ trước mưa lũ để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Ông Đặng Văn Hòa – Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cho biết, mực nước hồ Bình Điền lúc 7h ngày 3/11 là +77,41m, lưu lượng đến hồ 230m3/s, lưu lượng về hạ du 514m3/s. Trong khi đó, số liệu báo cáo hồ Tả Trạch đạt mực nước thấp nhất đón lũ, lưu lượng vận hành giảm, mực nước sông Hương tại Kim Long ở mức thấp 1,3m.
Để hạ nhanh mực nước hồ tạo dung tích phòng lũ, Ban Chỉ huy yêu cầu tiếp tục điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền qua tràn và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 650 – 900m3/s và điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Trước đó, ngày 30/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN ra lệnh vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền qua tràn và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 400 – 700m3/s.
Đồng thời, tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch qua tràn và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến khoảng từ 350 – 700m3/s.
Tại Quảng Nam, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho hay, để chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài, Ban yêu cầu các hồ thủy điện Sông Bung 2, Sông Bung 4, Đak Mi 4, Sông Tranh 2 chủ động tính toán, tổ chức vận hành đảm bảo mực nước hồ không vượt cao trình mực nước đón lũ thấp nhất và chuyển chế độ vận hành theo quy trình 1865.
Yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện A Vương tổ chức vận hành hạ dần mực nước các hồ thủy điện về 370m trước 7h ngày 5/11. Thời gian bắt đầu vận hành từ 7h ngày 3/11.
Ban yêu cầu việc tổ chức vận hành phải bảo đảm không gây dòng chảy đột biến, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông hạ du hồ chứa.
Các chủ hồ thủy điện tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, tình hình mưa lũ. Đồng thời, tăng cường thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu trước khi vận hành điều tiết, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả xuống hạ du.
Tại Nghệ An, đại diện Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, hiện mực nước tại các hồ chứa, hồ thuỷ điện ở địa phương này đang mức an toàn, sẵn sàng đón lũ. Khi mưa đến, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế để có kế hoạch, kịch bản để tiều tiết nước về hạ du để đảm bảo an toàn đập cũng như tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tính đến 12h trưa nay, tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị đang bắt đầu có mưa vừa đến mưa to, còn tại Thừa Thiên – Huế mưa lớn bắt đầu từ 8h sáng 3/11. Trong khi đó, tại Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An hiện chưa có mưa.
Theo dự báo Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ TN&MT), từ ngày 3-10/11 khu vực Trung Bộ có thể chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn gồm: Vùng xoáy thấp ở nam và giữa biển Đông; các đợt không khí lạnh mạnh thường xuyên được tăng cường và đớt gió đông hoạt động mạnh trên độ cao từ 1.500-5.000 m.
Cảnh báo nguy cơ xảy ra các đợt mưa lớn trên diện rộng, đặc biệt là các trận mưa cường suất lớn, gây ra lũ lớn trên báo động 3, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở các khu vực vùng núi.
Sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung còn diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn. Trong đó, nửa đầu tháng 11/2024 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và đầu tháng 12/2024 tập trung nhiều ở các tỉnh từ Quảng Bình vào đến Phú Yên.