(QNO) – Chiều 6/12, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023, theo nhiều ý kiến đại biểu, nhân dân rất chia sẻ với tình hình chung của tỉnh. Đồng thời cho rằng, đã đến lúc cần “xốc” tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh.
Cần “xốc” lại tinh thần làm việc
Thảo luận về tình hình phát triển kinh tế của tỉnh năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 ước giảm 8,25%, thu ngân sách sụt giảm…, đại biểu Lê Thị Minh Tâm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói, cần phân tích sâu trách nhiệm của từng ngành, địa phương để có giải pháp khắc phục.
Đại biểu Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn chia sẻ, tình hình địa phương hoàn toàn giống như của tỉnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm; công nghiệp giảm sút đã cắt giảm hơn 2.000 công nhân. Thu ngân sách chỉ đạt 75% chỉ tiêu giao.
“Trong năm, rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên tục diễn ra, phải tập trung chuẩn bị báo cáo. Những “điểm nghẽn” từ lâu do vướng mắc của cơ chế chính sách và tầm nhìn đến thời điểm này được chỉ ra… Chính những điều đó cũng đã tác động nhiều đến việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương” – ông Úc phát biểu.
Trước tình hình khó khăn chung hiện nay, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh sớm có giải pháp củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường hiệu quả hoạt động của các sở, ngành. Cùng với đó, quan tâm động viên tinh thần đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Chung quan điểm với ông Nguyễn Văn Sơn, theo ông Trần Úc, đã đến lúc toàn tỉnh cần phải “xốc” lại tinh thần làm việc. Trong thời gian tới, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần có buổi làm việc để động viên đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, nhất là những đơn vị sở ngành, địa phương đang rơi vô “hoàn cảnh khó khăn”.
“Chúng ta nên nhìn nhận thẳng thắn vấn đề hạn chế, từ đó lựa chọn nội dung bức thiết để giải quyết trước. Thực hiện chủ trương của Trung ương, HĐND tỉnh đã có nghị quyết về phân cấp phân quyền. Tuy nhiên, chỉ có một số sở, ngành tham mưu thực hiện, còn lại chưa mạnh dạn triển khai” – ông Úc nói.
Xem xét kỹ hơn giải pháp thực hiện
Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Phạm Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 đặt ra từ 7,5-8% là khá cao. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, trước dự báo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh cần xem xét kỹ hơn về các giải pháp thực hiện.
Trong bối cảnh chung, thực hiện tốt giải ngân nguồn vốn đầu tư công là giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.
“Năm 2024, tỉnh cần nhấn mạnh nhóm nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, quỹ đất sạch đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm để sẵn sàng cho việc thu hút đầu tư. Vì hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng rất phức tạp khiến doanh nghiệp e ngại. Không thu hút doanh nghiệp đầu tư thì sẽ không tạo được nguồn động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của tỉnh” – ông Thanh phát biểu.
Liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư, theo ông Võ Văn Hùng – Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, huyện cũng chung tình cảnh như tỉnh. Cụ thể, năm 2023, Thăng Bình chỉ thu hút được một dự án đầu tư vào cụm công nghiệp. Cái này có nguyên nhân vướng mắc từ cơ chế.
Từ thực tiễn địa phương ông Hùng dẫn chứng, trong cụm công nghiệp thu hút dự án rất khó, nhưng khi trình lên tỉnh thì sở này, sở kia cứ “nói qua nói lại”. Thậm chí ở trong cụm công nghiệp, nhưng khi hỏi sở này thì được đề nghị xem lại quy hoạch rừng.
Hay việc xây dựng nhà xưởng cho thuê – các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc muốn có một vài nhà xưởng cho họ thuê đầu tư. Nếu làm hiệu quả thì họ sẽ đầu tư mở rộng. Khảo sát ở TP.Đà Nẵng nói được, nhưng trả lời của cơ quan chuyên môn tỉnh là không được phép. “Tỉnh cần xem xét các chính sách thu hút đầu tư, thu hồi đất thông thoáng hơn để tạo thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp khi triển khai các dự án” – ông Hùng kiến nghị.