Cơ sở kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng
Hơn 11 giờ trưa ngày 3/4 nhưng quán bê thui Bảy Lép (phường Điện Phương) vẫn khá vắng vẻ khách, đối lập với cảnh trước đây nhiều người nườm nượp ghé quán ăn uống vào khung giờ này. Bà Đỗ Thị Thái – chủ quán đang cùng nhân viên của mình ngồi bóc vỏ củ hành tím như giết thời gian, thỉnh thoảng ngước nhìn ra đường ngóng trông khách.
Bà Thái cho biết, kể từ khi cầu Câu Lâu cũ cấm ô tô lưu thông qua lại, khách sụt giảm thê thảm. “Trước đây quán chủ yếu bán cho khách vãng lai và khách du lịch nhưng từ khi tỉnh cấm ô tô lưu thông qua cầu Câu Lâu cũ thì các xe không đi đường này nữa, bây giờ chỉ bán cho người dân địa phương nhưng số lượng không đáng kể” – bà Thái nói.
Khu vực cầu Câu Lâu cũ, nhất là phía Điện Phương, nhiều năm qua nổi tiếng với đặc sản bê thui cầu Mống. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy, khi cấm lưu thông qua cầu Câu Lâu cũ, hầu hết quán bê thui đều bị ảnh hưởng doanh thu.
Theo chủ quán bê thui Mười, từ khi cấm ô tô lưu thông qua cầu, khách đến quán sụt giảm khoảng 80%, chủ yếu do xe du lịch không đưa khách vào vì ngại quay đầu. “Bây giờ cố cầm cự được ngày nào hay ngày đó chờ nhà nước sửa cầu, cho xe cộ lưu thông trở lại chứ cũng không có cách gì” – chủ quán bê thui Mười buồn bã.
Nằm gần Câu Lâu cũ, quán bê thui Mười và quán bê thui Bảy Lép là những “thương hiệu” khá nổi tiếng khu vực cầu Mống, thậm chí trong cả nước. Tiếng lành đồn xa nên nhiều thực khách đã ghé thưởng thức đặc sản này khi có dịp đến Quảng Nam hoặc đi ngang qua.
Ngày 5/10/2023, Văn phòng UBND tỉnh gửi văn bản tới Sở GTVT, Sở Tài chính truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh về việc sửa chữa cầu Câu Lâu cũ. Đồng thời, thực hiện cấm xe ô tô qua cầu để đảm bảo an toàn lưu thông trên cầu (phân luồng ô tô đi qua cầu Câu Lâu mới).
Việc cấm ô tô lưu thông qua cầu Câu Lâu cũ không chỉ ảnh hưởng các nhà hàng bê thui mà còn tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cơ sở sản xuất hàng hóa khác. Ông Dương Ngọc Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều (Điện Phương, Điện Bàn) tiết lộ, từ cuối năm ngoái đến nay doanh thu công ty giảm hơn 50%, hàng hóa làm ra bán rất chậm, nhất là các mặt hàng thủ công lưu niệm du lịch. Hiện tại hơn 30% thợ nghề phải tạm nghỉ việc.
Phấn đấu sửa xong cầu trong năm 2024
Cầu Câu Lâu cũ là cây cầu đường bộ bắc qua sông Thu Bồn trên quốc lộ 1, chiều dài 841m được xây dựng khoảng từ năm 1965 – 1970. Hiện trạng phần thượng bộ và hạ bộ cầu đều xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Trần Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin, UBND tỉnh đã có chủ trương sửa chữa cầu Câu Lâu cũ, nhưng do vướng một số quy định của Luật Đấu thầu nên việc triển khai thi công chậm, tuy nhiên đến nay mọi việc đã cơ bản thông suốt.
“Ngày 4/4 dự án sẽ được sở trình UBND tỉnh phê duyệt, cố gắng tháng 5/2024 khởi công và hoàn thành trong năm 2024” – ông Thanh nói.
Cầu Câu Lâu cũ bắc qua sông Thu Bồn trên quốc lộ 1 kết nối thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên, nơi có nhiều di tích lịch sử, làng nghề độc đáo. Việc sửa chữa cầu Câu Lâu cũ không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển thông suốt mà còn giúp phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch.
[VIDEO] – Cần nhanh chóng sửa chữa cầu Câu Lâu cũ:
Theo ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, với vị trí nằm trên con đường di sản kết nối đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn nên về lâu dài tỉnh có thể nghiên cứu xây dựng cầu Câu Lâu vừa là công trình phục vụ giao thông dân sinh vừa phục vụ phát triển du lịch.
“Tỉnh nên nghiên cứu xây dựng cầu Câu Lâu cũ thành một điểm du lịch như cầu Rồng của Đà Nẵng chẳng hạn. Muốn thế phải tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cho cây cầu như chúng tôi đã làm hồi tháng 3 với các cầu bắc qua sông Cổ Cò.
Sở GTVT có thể tổ chức thi tuyển hoặc ủy quyền cho Điện Bàn, chỉ cần vài trăm triệu đồng chúng ta sẽ có một ý tưởng kiến trúc rất đẹp về cây cầu Câu Lâu cũ. Tất nhiên, đây chỉ là ý tưởng cá nhân tôi” – ông Úc đề xuất.
Đồng thời mong muốn trước mắt, các sở ngành liên quan của tỉnh cần nhanh chóng sửa chữa đưa cầu Câu Lâu cũ vào lưu thông, thúc đẩy các dịch vụ kinh doanh khu vực gần cầu Câu Lâu cũ sớm hoạt động trở lại bình thường.