(QNO) – Cần quy định cụ thể thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá; phải có chế tài khi người trúng đấu giá nhưng rồi bỏ “cọc”… là những vấn đề được đại biểu quan tâm góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2016, do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức chiều 12/10.
13 năm chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính
Tham gia góp ý dự thảo luật, tại điểm a, khoản 16 của Điều 1, ông Trần Tiến Vinh – Trưởng phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét nâng khung tối đa tiền đặt trước là 30% giá khởi điểm của tài sản đấu giá (trong dự thảo Luật quy định tối thiểu là 5% và tối đa là 20%), nhằm tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá. Cũng như hạn chế thấp việc người trúng đấu giá lợi dụng tiền đặt “cọc” ít mà bỏ kết quả trúng đấu giá.
Cũng theo ông Vinh, sau khi trúng đấu giá, cần phải quy định cụ thể thời gian người trúng đấu giá phải thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Nếu không có quy định cụ thể này, người trúng đấu giá nộp một khoản tiền nào đó, xong “ù lì” đối với số tiền còn lại phải nộp.
Từ thực tiễn của TP.Tam Kỳ, ông Vinh dẫn chứng có một trường hợp mua được tài sản thi hành án thông qua đấu giá. Song cũng vì chưa có quy định cụ thể về thời gian phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên 13 năm nay trường hợp này chưa nộp số tiền 20% còn lại.
“Họ ngang nhiên sử dụng đất của nhà nước khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhưng việc xử lý thì bị lúng túng, không có chế tài, cưỡng chế thi hành án thì không đủ cơ sở. Do đó, dự thảo luật lần này cần quy định cụ thể về thời gian để người trúng đấu giá tài sản hoàn thành nghĩa vụ tài chính” – ông Vinh nói.
Cũng như nhiều ý kiến góp ý, ông Vinh cho rằng, trong dự thảo luật, cũng như Luật Đấu giá tài sản hiện hành chưa có quy định đối với trường hợp tài sản cưỡng chế do thu hồi giải phóng mặt mà người dân sau khi cưỡng chế, không nhận lại tài sản đó. Trong trường hợp này thì việc xử lý đấu giá như thế nào?
Ông Vinh cho biết, tại TP.Tam Kỳ đã xảy ra một số trường hợp. Theo quy định của Luật Văn bản quy phạm pháp luật, tại Điều 156 thì được phép áp dụng các pháp luật tương tự để thực hiện, chẳng hạn Nghị định 16 quy định cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực xây dựng.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, nếu áp dụng tương tự như vậy sẽ không chặt chẽ và đề xuất cần đưa tài sản bị cưỡng chế do thu hồi giải phóng mặt bằng mà người dân bỏ không đến nhận vào đối tượng được điều chỉnh trong dự thảo luật lần này.
Cần có chế tài nếu… bỏ “cọc”
Nhiều vụ việc người trúng đấu giá tài sản đã bỏ “cọc”, không thực hiện nghĩa vụ tài chính, như đấu giá biển số ô tô đẹp vừa qua; hay đấu giá đất Thủ Thiêm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh (TP.Hồ Chí Minh) được đại biểu nêu dẫn chứng cho sự bất cập của quy định hiện hành khi góp ý vào dự thảo luật.
Người trúng đấu giá rồi bỏ, nhưng chế tài xử lý không có. Đây chính là lỗ hổng cần phải được “bít” bằng quy định pháp lý chặt chẽ, tránh trường trường hợp cố tình đấu giá lên mức cao, gây mất ổn định. Như trường hợp Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gây mất ổn định của thị trường bất động sản.
Từ kinh nghiệm thực tế qua việc tham gia các vụ án, tư vấn về đấu giá, luật sư Bùi Bá Dũng – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam nói, dự thảo luật cần quy định người thứ nhất trúng đấu giá nhưng sau đó vi phạm nghĩa vụ tài chính, mất tiền đặt “cọc” thì người thứ hai đương nhiên trúng đấu giá. Luật có quy định chặt chẽ và chỉ quy định đến người thứ hai, nhằm tránh sự thông đồng trong vấn đề đấu giá tài sản.
Phân tích thêm về quy định tại Điều 43 – Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Quảng Nam cho rằng, dự thảo quy định “khi có từ 2 người trở lên cùng trả giá cao nhất, đấu giá viên tổ chức đấu giá tiếp để chọn ra người trúng đấu giá. Nếu có người trả giá cao nhất không đồng ý đấu giá tiếp, sẽ tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá” là chưa phù hợp với nguyên lý đấu giá – đấu giá đến cùng để chọn được người trả mức cao nhất, mà chỉ phụ thuộc vào may rủi.
“Nghĩa là người thắng cuộc có thể trả giá vừa phải khi gặp may mắn; trong khi người muốn trả giá ở mức cao hơn không được lựa chọn. Do đó, cần nghiên cứu nội dung này cho phù hợp hơn” – ông Trọng nêu quan điểm.
Ngoài ra, dưới góc nhìn chuyên môn, ông Phạm Trọng – Giám đốc Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Quảng Nam cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét để sửa đổi luật phù hợp với thực tiễn, nhằm đảm bảo cho tài sản của nhà nước được bán thông qua hình thức đấu giá trong trường hợp áp dụng Điều 49 của Luật Đấu giá hiện hành nhằm thu được giá trị cao nhất, không bị thất thoát.
Dưới góc độ của người quản lý, ông Nguyễn Đăng Chương – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thừa nhận, tình trạng gây mất an ninh trật tự vẫn còn xảy ra trong các phiên đấu giá của huyện. Những gói thầu liên quan đến quyền sử dụng đất thì luôn có “quân xanh, quân đỏ”, rồi xảy ra việc kìm giá nhưng rất khó kiểm soát và làm giảm giá trị tài sản đấu giá của nhà nước.
Việc xác định giá khởi điểm rất khó khăn để sát với thực tế của thị trường. Đối tượng tham gia đấu giá trên mạng còn rất hạn chế, chỉ có một số đối tượng “chuyên gia” đi đấu giá mới rành rẽ; trong khi đó, người có nhu cầu cần tham gia đấu giá thì dường “đứng xa”.
Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước, từ khi triển khai Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đến nay, đội ngũ đấu giá viên và tổ chức đấu giá tài sản ngày càng lớn mạnh, trình tự thủ tục đấu giá thống nhất, phân định rõ trách nhiệm của người đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản.
Số lượng cuộc đấu giá tăng với nhiều thành công về giá trị tài sản đấu giá và chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là trên 100 nghìn tỷ đồng (giai đoạn 2017-2022).