Thời gian qua, một số nơi triển khai thực hiện Nghị quyết 595/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Và đã có những địa danh “biến mất” bởi câu chuyện sáp nhập.
“Làm sao giữ được tên làng khi chuyện “khắc xuất, khắc nhập” cứ tái diễn ở nước ta?” – cũng là những đau đáu từ cuộc đối thoại của hai nhà nghiên cứu văn hóa là TS. Nguyễn Thị Hậu (Hội Khoa học lịch sử TP.HCM) và TS. Trần Đức Anh Sơn (Trường Đại học Đông Á, Đà Nẵng).
Không thể làm kiểu cơ học
TS. Trần Đức Anh Sơn: Sau một thời gian tạm lắng, nay chuyện “nhập/tách” ở nước ta lại dậy sóng. Trong đó, có việc đổi tên các xã, huyện bị sáp nhập thành những địa danh hành chính mới, theo kiểu cơ học (như xã Quỳnh Đôi nhập với xã Quỳnh Hậu thì có tên mới là xã Đôi Hậu), khiến người dân ở các địa phương bị sáp nhập bất bình và phản ứng, vì tên quê cha đất tổ của họ tự dưng bị khai tử bởi một chủ trương (mang tính thời đoạn, biết đâu sau đó lại sửa sai).
TS. Nguyễn Thị Hậu: Phản ứng từ cộng đồng và sự lo ngại từ giới nghiên cứu lịch sử văn hóa là có lý do.
“Địa danh là tên gọi các địa điểm được biểu thị bằng những từ riêng”. Đặc điểm nổi bật của địa danh là có tính lịch sử, là sự đa dạng về ngôn ngữ. Địa danh thuộc đất nước/vùng miền/cộng đồng tộc người nào, sẽ được đặt tên theo ngôn ngữ của dân tộc, đất nước đó.
Địa danh phản ánh quá trình hình thành, đặc điểm của các yếu tố địa lý tự nhiên và văn hóa, phản ánh những nét đặc sắc về kinh tế, xã hội của từng địa phương. Vì vậy, hệ thống địa danh dân gian, địa danh hành chính lịch sử của một địa phương rất quan trọng, thậm chí có địa danh trở thành một “dấu chỉ” văn hóa hay một dấu ấn lịch sử.
Đối với địa danh hành chính, rất nên cân nhắc khi thay đổi, đặt mới. Lịch sử nước ta trải qua nhiều triều đại, nhiều biến cố xã hội nên có nhiều sự thay đổi địa danh, ứng với thay đổi phạm vi không gian làng, xã, huyện, tỉnh… Điều này gây không ít khó khăn cho việc nghiên cứu lịch sử – văn hóa, đặc biệt khi cần minh định một sự kiện, một nhân vật lịch sử. Không hiếm trường hợp nhiều địa phương đã xảy ra tranh chấp, mất đoàn kết vì việc này.
TS. Trần Đức Anh Sơn: Tôi đồng ý tên làng, xã, huyện, tỉnh, hay nói theo ngôn từ nhà nước, là địa danh hành chính, thì có tính lịch sử và sự đa dạng ngôn ngữ.
Ngoài ra, địa danh hành chính còn phản ánh quá trình thành lập làng xã, vai trò của dòng họ (chẳng hạn các làng Cao Xá, Ngô Xá, Phùng Xá… do người của các dòng họ Cao, Ngô, Phùng… lập ra), địa hình (xóm Bãi, xóm Cồn, thôn Bàu…), nghề nghiệp truyền thống của địa phương đó (làng rèn Hiền Lương, làng đệm Phò Trạch…)…
Cho nên, đổi địa danh mà không tính đến các yếu tố này thì coi như thua, vừa làm xáo trộn xã hội, vừa đánh mất bản sắc và đặc tính văn hóa của địa danh/địa phương; đồng thời gây khó khăn trong quản lý hành chính xã hội.
Nguồn “vốn xã hội” của địa danh
TS. Nguyễn Thị Hậu: Với những quy định mới về sắp xếp các đơn vị hành chính huyện, xã, thôn… cần phải được nghiên cứu cẩn trọng. Đặt để địa danh mới (cũng như tên đường phố ở các đô thị) là một khoa học chứ không thể tùy tiện.
Dễ nhận thấy một quy luật, văn bản hành chính sử dụng ngôn ngữ nào, thì ngôn ngữ ấy sẽ phổ biến và lấn át ngôn ngữ địa phương.
Vì vậy nếu thực sự muốn bảo vệ sự đa dạng văn hóa – cũng là tôn trọng đặc trưng văn hóa của mỗi cộng đồng, mỗi vùng miền, thì bên cạnh sự thống nhất các “thuật ngữ” trong văn bản hành chính để sử dụng thuận tiện trong quản lý nhà nước, cần phải duy trì hệ thống ngôn ngữ địa phương và sử dụng các địa danh quen thuộc, đã phổ biến trong xã hội.
Việc thay đổi hay xóa bỏ các địa danh không chỉ làm mất đi một “di sản ký ức” mà còn làm mất đi một nguồn “vốn xã hội” từ giá trị văn hóa của địa danh.
Những địa danh dân gian biểu thị các yếu tố tự nhiên (tên sông, núi, kênh rạch…) như ở Biên Hòa (Đồng Nai) có địa danh nổi tiếng Cù Lao Phố nay thay bằng phường Hiệp Hòa; cầu Gành – cầu đường sắt quan trọng trên sông Đồng Nai, sau khi bị một xà lan đâm làm sập, bỗng trở thành “cầu Ghềnh”…
Hay ở TP.Hồ Chí Minh, địa danh bằng phương ngữ như “bùng binh” thay bằng “vòng xoay”, các giao lộ nổi tiếng như Ngã sáu Phù Đổng, Ngã bảy Lý Thái Tổ, ngã tư Phú Nhuận… thay bằng “nút giao”. Thực trạng này không những làm nghèo tiếng Việt mà còn làm mất đi sự đa dạng, phong phú của văn hóa vùng miền.
Cũng có người cho rằng, địa danh chẳng mất đi đâu khi nó còn được người dân nhắc đến. Điều này đúng mà chưa đủ. Vì địa danh là một loại hình di sản phi vật thể, được lưu truyền qua ngôn ngữ và ký ức, được chính quyền “vật thể hóa” bằng văn bản.
Vì vậy, khi “văn bản vật thể” thay đổi địa danh và phổ biến với tốc độ nhanh chóng và rộng rãi như hiện nay, thì chẳng mấy chốc địa danh cũ sẽ biến mất khỏi ký ức và ngôn ngữ của cộng đồng! Điều này có thể gây nên tâm lý phản kháng văn hóa, khi một yếu tố văn hóa bị biến mất, bị thay đổi không xuất phát từ ý chí và nhu cầu của cộng đồng – chủ thể của văn hóa.
TS. Trần Đức Anh Sơn: Ở nước ta, nhiều địa danh có lịch sử cả ngàn năm, được lưu lại trong sử sách. Đến thời Nguyễn, cuộc cải cách hành chính dưới triều Minh Mạng (1832 – 1833) đã phát sinh nhiều địa danh mới (riêng ở Quảng Nam, nhiều tên tổng, tên xã ở các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Lễ Dương… được hình thành từ tờ Dụ do vua Minh Mạng ban hành vào tháng Chạp năm Minh Mạng thứ 16 (đầu năm 1836)). Những địa danh này đã tồn tại gần 2 thế kỷ.
Sau Cách mạng tháng 8/1945, nhiều làng xã có sự tách nhập, thay đổi địa giới hành chính: một làng to được tách thành hai xã, hay hai, ba làng nhỏ hợp thành một xã mới. Cấp huyện, tỉnh cũng tương tự. Người dân quen với các địa danh này cũng gần 8 thập kỷ, nay lại bị đổi tên, đánh mất gốc tích, xóa bỏ “căn cước văn hóa” của địa danh truyền thống, nên họ phản ứng.
Cần thiết tham vấn chuyên gia
TS. Trần Đức Anh Sơn: Các địa phương có huyện, xã bị “tinh giảm” đợt này, nên thành lập các ban tư vấn, gồm những nhà nghiên cứu Hán – Nôm, chuyên gia về văn bản học, hành chính học, nhà nghiên cứu lịch sử địa phương… để giúp cho chính quyền rà soát các nguồn sử liệu, địa chí, địa bạ, văn bản hành chính… từ thời quân chủ, thời Pháp thuộc…
Việc này nhằm truy tìm những địa danh gốc, lâu đời, có ảnh hưởng đến lịch sử – văn hóa của địa phương, để từ đó đề xuất các địa danh thích hợp cho chính quyền “đặt lại tên” những đơn vị hành chính phải sắp xếp trong đợt này.
Tiếp đến, chính quyền cần tổ chức truyền thông về việc “đặt lại tên” cho cộng đồng cư dân ở những nơi này để họ thấu hiểu và đồng thuận, thay vì ban hành mệnh lệnh hành chính về việc sáp nhập/ đổi tên, mà không tham khảo chuyên gia hay cộng đồng dân cư.
TS. Nguyễn Thị Hậu: Đúng vậy! Nghiên cứu thay đổi địa danh là một việc làm khoa học, cần có sự tham gia thấu đáo của các chuyên gia lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ…, được cộng đồng hợp tác và đồng thuận. Nhưng trước hết, những căn cứ để sáp nhập các địa phương dù quy mô lớn hay nhỏ cũng cần dựa trên căn cứ khoa học, không chỉ để “tiện quản lý” hay “giảm biên chế”; tránh tình trạng “tách – nhập” theo kiểu “gọt chân cho vừa giày” gây ra nhiều hậu quả lâu dài.
TS. Trần Đức Anh Sơn: Địa danh cũng như nhân danh có nội hàm gắn với: lịch sử, văn hóa, địa lý, ngôn ngữ, nhân học… chứ không đơn giản là cái tên, dùng để định danh trong lĩnh vực hành chính, quản lý nhà nước. Đổi tên mà làm không khéo, thì lại rơi vào cảnh: “Bây giờ làng, xã lộn nhào. Gọi làm sao, viết làm sao… bây giờ”.