Tham gia góp ý dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) thống nhất với việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa theo Điều 90 dự thảo luật.
Tuy nhiên, để phát huy các giá trị di sản văn hóa phải đi đôi với việc bảo tồn, quản lý và tôn tạo di sản văn hóa. Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị việc thu phí tham quan hiện nay chỉ nên để chi phục vụ vào việc quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa mà không tính vào ngân sách nhà nước vì di tích là tài sản của nhân dân, bản chất nguồn thu phí tham quan di tích là khách du lịch chi trả.
Thực tế hiện nay, nguồn thu phí tham quan này lại nộp vào ngân sách, được sử dụng để xác định số thu ngân sách địa phương, cân đối chung cho chi thường xuyên và chi đầu tư; không được sử dụng để chi cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho biết, theo báo cáo của Cục Quản lý dược, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp dược đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nhưng vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu ở nước ngoài. Hiện có rất ít đơn vị sản xuất nguồn nguyên liệu để tạo ra dược phẩm; hơn 90% nguyên liệu hóa dược phải nhập khẩu, chủ yếu từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ…
Do đó việc sửa đổi Luật Dược lần này, đại biểu đề xuất có chính sách khuyến khích thu hút đủ mạnh về ưu đãi nguyên liệu làm thuốc để thu hút doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư phát triển công nghiệp dược của nước ta trong thời gian đến.
Cụ thể như ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng và các đảm bảo khác về quyền sở hữu vốn, tài sản, sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư. Có cơ chế ưu đãi đặc biệt vào vùng miền núi, vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; nhất là tập trung nghiên cứu trồng và phát triển nguồn nguyên – dược liệu tập trung, đây là lợi thế về nguồn nguyên – dược liệu đa dạng và sẵn có của Việt Nam, tránh tình trạng trồng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát khó kiểm soát được chất lượng như hiện nay. Qua đó nhằm phát huy tiềm năng, kinh nghiệm trong khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cũng như hiện đại hóa các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam.
Luật Dược năm 2016 quy định trường hợp “Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục” thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược. Tuy nhiên, sửa đổi Luật Dược lần này quy định “Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược mà trong thời gian 12 tháng liên tục không thực hiện một trong các phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề dược” thì thu hồi chứng chỉ hành nghề dược.
Đại biểu Dương Văn Phước đề nghị giữ nguyên như Luật Dược năm 2016 hoặc sửa đổi phù hợp hơn. Vì trên thực tế nhiều người được cấp chứng chỉ hành nghề dược không thực hiện một trong các phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trên chứng chỉ hành nghề dược nhưng có các hoạt động tương tự như hoạt động chuyên môn bán lẻ thuốc, thậm chí có chuyên môn sâu hơn như trực tiếp cấp phát thuốc lẻ ở các kho thuốc tại bệnh viện, trung tâm y tế thì không thu hồi chứng chỉ hành nghề của họ, nhằm đảm bảo sự công bằng, đảm bảo quyền lợi của người có chứng chỉ hành nghề dược.
Việc cho phép bán thuốc qua thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ, mục tiêu đặt ra là người dân mua được thuốc dễ dàng nhưng phải an toàn, bảo đảm có đơn của bác sĩ và được tư vấn dược đầy đủ, đúng người, đúng bệnh, theo dõi được các phản ứng có hại của thuốc.
Để hoàn thiện quy định trên, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị dự thảo luật phải quy định chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này, cân nhắc kỹ dựa trên nghiên cứu kinh nghiệm và thực tiễn ở các nước tiên tiến; căn cứ pháp lý và thực tiễn; đánh giá lợi ích và rủi ro, hậu quả pháp lý của việc mua bán thuốc trực tuyến, đảm bảo Nhà nước quản lý, kiểm soát được các giao dịch thương mại trên.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/can-co-chinh-sach-du-manh-de-phat-huy-tiem-nang-nguyen-lieu-lam-thuoc-viet-nam-3136566.html