Phương án sáp nhập huyện
Quảng Nam có 2 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 là huyện Hiệp Đức và Nông Sơn. Còn huyện Quế Sơn thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026 – 2030.
Trước khi xây dựng phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 trình Bộ Nội vụ thẩm định và thống nhất, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đánh giá thực trạng các ĐVHC cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025.
Trên cơ sở đó, Quảng Nam đề xuất không sắp xếp đối với huyện Hiệp Đức (do có yếu tố đặc thù) và xác định phương án nhập huyện Nông Sơn và huyện Quế Sơn để thành lập huyện Quế Sơn.
Theo bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ, công tác tuyên truyền, vận động, chủ trương sắp xếp ĐVHC trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2023 – 2025 nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Các bước, thủ tục thực hiện bám đúng lộ trình của Trung ương quy định.
Theo công văn của Bộ Nội vụ, ngày 31/7/2024 Quảng Nam trình đề án hoàn chỉnh cho Trung ương thẩm định. Tuy nhiên, tỉnh phấn đấu hoàn thành trình Trung ương trước ngày 30/6 như mục tiêu đã đặt ra.
Theo dự thảo đề án được đơn vị tư vấn đưa ra lấy ý kiến góp ý các sở ngành, địa phương liên quan do Sở Nội vụ tổ chức vào ngày 1/6, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của huyện Nông Sơn (có diện tích tự nhiên là 471,64km2, đạt 55,49% và quy mô dân số là 35.438 người, đạt 44,30% so với tiêu chuẩn) với huyện Quế Sơn (có diện tích tự nhiên là 257,46km2, đạt 57,21% và quy mô dân số là 104.128 người, đạt 86,77% so với tiêu chuẩn) để thành lập huyện Quế Sơn (có diện tích tự nhiên là 729,10km2, đạt 112,70% và quy mô dân số là 139.566 người, đạt 131,07% so với tiêu chuẩn).
Phân tích về căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn, theo đại diện đơn vị tư vấn xây dựng đề án, phương án này đảm bảo tính tiếp nối việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giữa giai đoạn 2023 – 2025 và giai đoạn 2026 – 2030, phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 2646 ngày 19/7/2023.
Cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hai địa phương. Hai huyện có chung nguồn gốc từ một huyện trước đây. Do đó, nhập nguyên trạng huyện Nông Sơn và Quế Sơn không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.
Cần có chính sách trợ lực trong ngắn hạn
Đầu năm 2023, đã có nhiều ý kiến băn khoăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Nông Sơn khi có thông tin dự kiến sáp nhập huyện Nông Sơn và Hiệp Đức để thành lập ĐVHC huyện mới. Bởi nó không phù hợp thực tiễn, việc đi lại của người dân sẽ không thuận lợi vì trái đường, đi xa, phải mở đường hoặc đưa trung tâm hành chính huyện mới về khu vực xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận (Hiệp Đức hiện nay).
Chia sẻ tại hội nghị, ông Quảng Văn Ngọc – Bí thư Huyện ủy Nông Sơn chia sẻ, không thể tránh khỏi những tâm tư, song về cơ bản cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện rất ủng hộ, đồng thuận cao với phương án sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn. Nhân dân thống nhất với tên gọi ĐVHC cấp huyện sau sáp nhập và nơi đặt trụ sở làm việc ở thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn.
Vấn đề lãnh đạo huyện Nông Sơn lo nhất là việc chăm lo đời sống nhân dân sau sắp xếp ĐVHC. Tuy là huyện nhỏ, kể từ khi chia tách vào năm 2008, hạ tầng đường, điện, bệnh viện, trường học được đầu tư phát triển tốt; an sinh được tập trung chăm lo, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo qua các năm giảm vượt kế hoạch. Đến nay, Nông Sơn đã hoàn thành việc xóa nhà tạm.
“Nông Sơn đang được hưởng cơ chế đặc thù của huyện miền núi, khi nhập vào huyện Quế Sơn thì sẽ hết, thiệt thòi cho nhân dân. Vì vậy, dự thảo đề án cần kiến nghị Trung ương nghiên cứu cơ chế riêng về an sinh – có thể trong ngắn hạn đối với 5 xã, thị trấn cánh tây của huyện Quế Sơn sau sáp nhập” – ông Ngọc góp ý.
Ông Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn nói, trước đây, ở riêng một đơn vị hành chính đã phân bổ ngân sách như vậy, nay nếu tính bình quân chung về phân bổ ngân sách đối với ĐVHC sáp nhập thì sẽ rất bất cập.
Đề nghị trong đề án nêu rõ việc kiến nghị Trung ương có cơ chế riêng về phân bổ tài chính cho ĐVHC sáp nhập trong một thời gian, như theo lộ trình giải quyết cán bộ dôi dư 5 năm, để có điều kiện tiếp tục đầu tư cho những công trình hạ tầng còn dở dang, hạ tầng thiết yếu phục vụ an sinh.
Liên quan đến vấn đề giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân sau sáp nhập ĐVHC cấp huyện, ông Hòa cho rằng, ban đầu nhu cầu của người dân sẽ rất cao vì làm thủ tục điều chỉnh các loại giấy tờ.
“Cán bộ dôi dư nhiều, cần tính toán bố trí một tổ công tác ở Nông Sơn, như mô hình tổ một cửa chẳng hạn để tiếp nhận giải quyết thủ tục điều chỉnh giấy tờ liên quan đến đất đai, chế độ chính sách… trong một thời gian, để an dân. Khi nhu cầu người dân ít thì rút tổ công tác này về huyện. Nên có kiến nghị đưa vào đề án để có cơ sở triển khai thực hiện đảm bảo” – ông Hòa đề xuất.