Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm chuyển đổi số du lịch, tuy nhiên, những kết quả đạt được còn khiêm tốn và mới chỉ ở những bước đầu của khái niệm du lịch thông minh.
Nhiều ứng dụng thông minh
Hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam là một trong những dự án nổi bật thuộc chương trình chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực du lịch Quảng Nam do Sở VH-TT&DL phối hợp với VNPT Quảng Nam xây dựng, đưa vào ứng dụng từ năm 2022.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, Quang Nam Tourism hỗ trợ cho ngành du lịch Quảng Nam có thêm một công cụ để quảng bá, giới thiệu về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Nam.
Mới đây, Sở VH-TT&DL đã thống nhất cho phát hành chính thức bản đồ số du lịch thông minh được tích hợp trên Quang Nam Tourism, giúp du khách tra cứu địa điểm trực tiếp trên bản đồ số, lọc các lớp theo địa điểm, khách sạn, nhà hàng, mua sắm, sự kiện/lễ hội…
Theo kế hoạch, đến năm 2025, ngành du lịch tiến hành số hóa hơn 10 nghìn file dữ liệu hình ảnh điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch; 9 nghìn file thô và gần 100 phim, trailer về điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch, di sản văn hóa phi vật thể…
Năm 2024 cũng là năm cuối thuê dịch vụ công nghệ thông tin của hệ thống phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam theo quyết định 1390 UBND (năm 2021) với dự toán kinh phí từ 2021 – 2024 là 12,1 tỷ. Sau hơn 30 tháng vận hành, hiện tại, hệ thống phần mềm du lịch thông minh Quảng Nam đang được triển khai sử dụng tại Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh có khả năng chia sẻ, dùng chung cho các ứng dụng, dịch vụ du lịch của tỉnh và cả nước.
Đến nay, hệ thống đã cập nhật 171 điểm đến văn hóa, thiên nhiên; 55 dữ liệu 3D, video clip; 17 điểm dữ liệu VR360; 1.303 dữ liệu dịch vụ du lịch dịch vụ du lịch; 161 khách sạn, resort; 465 homestay, biệt thự; 257 dữ liệu ẩm thực; 63 dữ liệu mua sắm; 74 dữ liệu giải trí; 283 dữ liệu dịch vụ du lịch lữ hành; 1.245 dữ liệu tin tức và sự kiện… Đây được xem là kho dữ liệu quan trọng để các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam khai thác, sử dụng, góp phần vào mục tiêu chuyển đổi số trong ngành du lịch. (KHÁNH LINH)
Nhiều địa phương đã ứng dụng công nghệ vào công tác quảng bá, thu hút du khách. Nổi bật, Khu đền tháp Mỹ Sơn triển khai ứng dụng Hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, ứng dụng tham quan ảo VR360. TP.Hội An đã ứng dụng Du lịch thực tế ảo tăng cường, Du lịch ảo Hội An-metaverse để quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hội An đến với du khách…
Hạ tầng phải đi trước
Theo anh Nguyễn Đăng Hữu, một hướng dẫn viên du lịch tự do tại Quảng Nam, trước đây du khách thông qua các công ty lữ hành đặt tour, nay phần lớn chủ động lên kế hoạch cho chuyến du lịch bằng cách đăng ký lưu trú, tham quan, ăn uống… qua mạng, nhất là với nhóm khách trẻ tuổi.
“CĐS khiến mọi thứ thay đổi nhanh chóng. Bản thân chúng tôi làm hướng dẫn viên cũng phải thích nghi, tận dụng tiện ích từ mạng xã hội và các ứng dụng số để kết nối khách hàng, chứ không thể ngồi chờ khách tìm đến mình như trước” – anh Hữu chia sẻ.
Thực hiện CĐS trong du lịch một cách hiệu quả, có giá trị thiết thực, đòi hỏi phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL, quá trình CĐS du lịch dù được quan tâm nhưng cơ chế đặc thù để số hóa điểm đến, quá trình triển khai thực hiện “số hóa”, “thông minh hóa” điểm đến còn nhiều khó khăn, bất cập.
Các hoạt động số hóa còn rời rạc, chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ, kết nối đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành để đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp khó khăn.
CĐS du lịch ở Quảng Nam hiện được triển khai chủ yếu trong hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, đặt dịch vụ; hỗ trợ khách khám phá trải nghiệm. Những lĩnh vực khác như bán sản phẩm, quản lý du lịch… chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Các điểm đến đã bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng qua các ứng dụng thông minh, nhưng hoạt động này còn nhỏ lẻ, do đó sự lan tỏa còn nhiều hạn chế. Chưa có Sàn giao dịch thương mại điện tử về du lịch là một ví dụ điển hình.
Mặc dù chuyển đổi số được xem là xu hướng và mang tính cấp thiết trong hoạt động du lịch hiện nay, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà hoặc có điều kiện thực hiện, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khách sạn Santa Sea Villa là một trong số ít cơ sở lưu trú tiên phong chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh tại TP.Hội An. Santa Sea Villa đã triển khai các phần mềm đặt phòng qua các website OTAs (đặt phòng trực tuyến).
Đến nay, trên 50% booking của khách sạn được giao dịch qua hệ thống OTAs, giúp khách lưu trú có thể trực tiếp đặt phòng cũng như nắm bắt được các chương trình, sản phẩm, dịch vụ tại khách sạn mà không phải qua khâu trung gian.
Kênh OTAs cũng là ứng dụng thông minh đặt phòng phổ biến được các doanh nghiệp lưu trú tại Hội An lựa chọn. Bà Phạm Thị Linh Chi – Chủ tịch Chi hội Villas và Homestay Quảng Nam thừa nhận, hầu hết thành viên của chi hội hiện mới dừng lại ở việc sử dụng các kênh OTAs. Các hoạt động kinh doanh như marketing, số hóa dữ liệu… rất ít. Lý do theo các chủ mô hình này đưa ra, là các cơ sở có quy mô nhỏ, trong khi chi phí đầu tư chuyển đổi số cao, thời gian đồng bộ dữ liệu lâu, chưa kể cần đội ngũ kỹ thuật…
Đến nay, gần 400 thành viên thuộc Chi hội Villas và Homestay Quảng Nam dường như chưa có doanh nghiệp nào thực hiện chuyển đổi số đúng nghĩa.
“Chuyển đổi số trong du lịch chính là phân tích các chỉ số tiêu dùng của một du khách, qua đó giúp doanh nghiệp tính toán các chi phí kinh doanh và lợi nhuận cụ thể để quản lý rủi ro nên phù hợp hơn với các khách sạn lớn số lượng phòng nhiều. Riêng với các villa, homestay quy mô nhỏ chỉ 4 – 8 phòng nên chủ yếu giao dịch trên các kênh OTAs, vừa đơn giản, dễ dàng. Chưa kể, chi phí đầu tư cao, không cần thiết nên hầu như không cơ sở nào làm”, bà Linh thông tin.
Chuyển đổi số không phải mối quan tâm nhiều của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hội An, kể cả doanh nghiệp lữ hành. Bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty Du lịch Hội An Express thừa nhận, chuyển đổi số tại doanh nghiệp hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ đơn giản như chuyển từ việc in ấn tài liệu bằng giấy sang quét mã code, trao đổi, kết nối khách hàng và tận dụng kho dữ liệu của các điểm đến, tham quan…
Các doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam vẫn chưa tạo ra nhiều thay đổi trong công cuộc chuyển đổi số.
Khó khăn chuyển đổi số
Báo cáo của E-conomy SEA 2023 trong chương trình nghiên cứu về kinh tế số khu vực Đông Nam Á do Google và Temasek thực hiện, mảng kinh tế số trong nhu cầu đi du lịch năm 2023 tăng 40% so với năm 2019.
Doanh thu có thể đạt 100 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực thương mại điện tử, du lịch/lữ hành, phân phối thức ăn, vận chuyển, truyền thông mạng và dịch vụ tài chính số.
Tại Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ nét trải nghiệm dịch vụ số tại các công ty lớn như EVN, Vietel hay các ngân hàng thương mại Vietcombank, Techcombank… Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam, việc ứng dụng chuyển đổi số còn rất khiêm tốn.
Là giám đốc Indochina Unique Tourist, sau thời gian nghiên cứu và ứng dụng tại doanh nghiệp, tôi nhận thấy việc chuyển đổi số chỉ thành công đối với các doanh nghiệp lớn, quy mô tập đoàn hay doanh nghiệp có nguồn lực tài chính mạnh, đội ngũ nhân sự giỏi, phạm vi hoạt động rộng. Còn những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ sẽ rất khó khăn trong việc chuyển đổi số.
Cụ thể, một nghiên cứu gần đây của tôi về hoạt động chuyển đổi số cho 79 doanh nghiệp lữ hành tại Quảng Nam và Đà Nẵng, chỉ ra rằng đa số chủ doanh nghiệp nhận thức khá tốt về lợi ích chuyển đổi số, tuy nhiên để triển khai thì họ đối mặt với nhiều khó khăn.
Hiểu theo định nghĩa của Enrst & Young (2018) rằng để chuyển đổi số thành công thì doanh nghiệp phải thực hiện qua ba giai đoạn: giai đoạn 1 là số hóa, giai đoạn 2 là số hóa quy trình và giai đoạn 3 là chuyển đổi số. Với quy trình này, số lượng nhóm doanh nghiệp lữ hành mà tôi khảo sát chỉ đang ở giai đoạn 1, hoặc chưa đạt được giai đoạn 1.
Thực tế nhiều doanh nghiệp lữ hành còn chưa áp dụng phần mềm trong quản lý điều hành doanh nghiệp, nhiều đơn vị vẫn còn sử dụng microsoft word và excel, cách làm cũ kỹ, truyền thống để thông tin, quản lý công việc nội bộ với nhau.
Cần gói tài chính hấp dẫn
Hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp du lịch vẫn là chi phí đầu tư và ứng dụng công nghệ số. Không phải chủ doanh nghiệp nào cũng am hiểu về kinh tế số, có tư duy về kỹ thuật số để chỉ đạo, định hướng cho doanh nghiệp phát triển theo hướng chuyển đổi số.
Việc tiếp theo để đầu tư đầy đủ, đồng bộ hạ tầng công nghệ số tại doanh nghiệp cũng là rào cản lớn. Bởi, không phải doanh nghiệp nào cũng dám mạnh dạn đầu tư số hóa hạ tầng, trong khi hiệu quả mang lại chưa đảm bảo chắc chắn.
Khó khăn thứ ba cũng thể hiện rõ trong điều tra là nhân sự nội bộ để ứng dụng công nghệ thông tin. Việc thuê một đội ngũ chuyên gia tư vấn, tham mưu, triển khai ứng dụng công nghệ trong công ty là vấn đề lớn. Đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số phát triển, tìm kiếm nhân lực am hiểu công nghệ số và trả lương cao chỉ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ như du lịch lữ hành hiện nay.
Hiện tại, ngành du lịch được kêu gọi và khuyến khích chuyển đổi số rầm rộ trên các diễn đàn, phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, với năng lực của các doanh nghiệp du lịch quy mô vừa và nhỏ sẽ rất khó triển khai thành hiện thực. Đồng thời, không có sự hỗ trợ nào lớn từ các tổ chức tài chính, hoặc phía nhà nước, ngân hàng trung ương, thì việc chuyển đổi số tại doanh nghiệp du lịch chậm chạp là điều dễ hiểu.
Do vậy, để triển khai được một hệ sinh thái du lịch thông minh, chính phủ cần xây dựng gói tài chính đủ hấp dẫn, áp dụng cho vay với lãi suất thấp cho khối doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, phục vụ cho nội dung chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Chưa kể, Chính phủ cũng cần xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, để tư vấn định hướng cho doanh nghiệp nào có quan tâm và quyết tâm chuyển đổi số trong sản phẩm du lịch và dịch vụ, tạo giá trị mới, trải nghiệm mới trong du lịch.
Cạnh đó, một khung pháp lý, pháp luật hoàn chỉnh về chuyển đổi số, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường hoạt động ít rủi ro về công nghệ, bảo mật, hạ tầng và xung đột các lợi ích khác cũng là điều quan trọng trong câu chuyện phát triển du lịch thông minh.
Du lịch số là xu thế tất yếu của du lịch toàn cầu nhưng hướng tiếp cận, phát triển cần phù hợp với đặc thù của du lịch địa phương.
Du lịch số
Đại diện VNPT Quảng Nam cho biết, xu hướng chuyển đổi số ngành du lịch đang dần chuyển từ E-Tourism sang Smart Tourism và 2 xu thế này có sự khác biệt lớn. E-Tourism có phạm vi hoạt động ở môi trường số trực tuyến; giai đoạn tác động trước và sau chuyến đi; mức độ tương tác hạn chế, chủ yếu một chiều thụ động. Smart Tourism kết hợp môi trường số và trải nghiệm thực; có tác động trước, trong và sau chuyến đi; thường xuyên có sự tương tác hai chiều chủ động.
Hiện xu hướng du lịch hướng tới trải nghiệm cá nhân hóa, thân thiện ngày càng phát triển. Điều này đòi hỏi những ứng dụng số thông minh phải đưa ra các lời giải tối ưu cho từng nhóm nhu cầu riêng của các tệp khách, dựa trên việc số hóa hệ thống dữ liệu lớn từ các chủ thể du lịch.
Ông Hoàng Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty Vietsoftpro (công ty chuyên về tư vấn chuyển đổi số văn hóa – du lịch) cho rằng, nói về du lịch thông minh hay chuyển đổi số du lịch thì không có mô hình chuẩn. Nhiều địa phương ở nước ta cũng có các cách tiếp cận khác nhau. Công nghệ suy cho cùng là một phương tiện và quan trọng nhất là chúng ta sử dụng phương tiện đó hiệu quả như thế nào cho ngành du lịch địa phương.
Không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số du lịch, thời gian qua Ban Quản lý Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã ứng dụng công nghệ khá hiệu quả trong các hoạt động du lịch tại khu di sản, vừa giúp cho việc thu hút du khách vừa đưa công nghệ tạo ra các sản phẩm công nghiệp văn hóa giá trị phục vụ cho hoạt động du lịch.
Ông Nguyễn Công Khiết – Phó Trưởng Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: “Những kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được đầu tư vào hệ thống hạ tầng đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực đối với hoạt động du lịch, tối ưu hóa thành những sản phẩm với những ứng dụng số thông minh.
Từ sản phẩm website thực tế ảo VR360 chi tiết tích hợp tính năng thuyết minh ảo, thuyết minh giới thiệu tổng quan, đưa mô hình 3D bảo tàng số lên vị trí Map 3D Bizverse World, sản phẩm thuyết minh đa ngôn ngữ (Audio Guide) với 6 thứ tiếng là Việt, Anh, Pháp, Nhật, Hàn, Trung. Các sản phẩm đưa vào sử dụng đến nay được du khách hài lòng và đánh giá cao, không chỉ trong việc hỗ trợ tìm hiểu thông tin về Mỹ Sơn mà thực sự là sản phẩm du lịch có giá trị trải nghiệm cao”.
Thích ứng có chọn lọc
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, các điểm du lịch chính tại Quảng Nam như Hội An, Mỹ Sơn phải áp dụng triệt để công nghệ số như thẻ điện tử, AI vào quản lý vé tham quan, phát triển các sản phẩm du lịch số mới, tăng giá trị trải nghiệm mới cho khách du lịch tại điểm tham quan hoặc trên nền tảng số.
Trong khi đó, ở phạm vi quốc gia, công cụ đo lường giá trị gia tăng của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch mang lại cần được xây dựng. Việc rà soát và xây dựng mới các bộ luật, đảm bảo vận hành trong kỷ nguyên số, đảm bảo tính thực tiễn và đón đầu các xu hướng công nghệ thay đổi trong tương lai được đặt ra. Hành lang pháp lý ổn định, chế tài chặt chẽ bên cạnh các chính sách tài khóa như ưu đãi giảm thuế VAT, thuế doanh thu cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng CNTT cho hoạt động chuyển đổi số.
Về phía di sản Mỹ Sơn, ông Nguyễn Công Khiết thông tin, hướng đến phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”, thời gian đến, ngoài các dữ liệu đa phương tiện truyền thống (phim, hình ảnh, văn bản…), hệ thống du lịch thông minh đối với Mỹ Sơn sẽ tập trung vào việc xây dựng dữ liệu số 3D, sách điện tử và mô hình thực tại ảo (AR).
Trong khi đó, ông Hoàng Ngọc Quang – Giám đốc Công ty TNHH tư vấn Sao La (TP.Đà Nẵng) cho rằng, hệ thống camera nhận biết mật độ du khách là một phần quan trọng của chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện nay. Hệ thống sử dụng công nghệ nhận biết hình ảnh và xử lý dữ liệu để theo dõi và đánh giá mật độ du khách tại các địa điểm du lịch.
“Việc theo dõi mật độ du khách tại các điểm đến du lịch giúp ban quản lý khu điểm và doanh nghiệp du lịch hiểu rõ tình hình thực tế và phản ánh nhu cầu của du khách. Theo đó hiệu quả hóa việc sử dụng tài nguyên như giao thông, khách sạn, nhà hàng và những dịch vụ khác.
Từ đó cải thiện trải nghiệm du khách, đồng thời cải thiện an ninh tại các điểm du lịch bằng cách phát hiện các tình huống bất thường hoặc nguy cơ an ninh. Ngoài ra, hệ thống quản lý và điều hành tour hay hệ thống phần mềm thông báo sản phẩm quảng cáo và quản lý trình chiếu cũng có thể mang lại nhiều lợi ích cho đơn vị sử dụng về mặt phân tích xu hướng, quảng bá trong thời đại số hiện nay”, ông Quang nói.
Ngoài yêu cầu phải cập nhật xu hướng để đáp ứng nhu cầu khách hàng, vấn đề nhân lực làm chủ công nghệ cũng cần được dung hòa và sớm thích nghi.
Đào tạo nguồn nhân lực
Đảo Ký ức Hội An (Cẩm Châu, TP.Hội An) là đơn vị khai thác các dịch vụ du lịch có chất lượng với nhiều chương trình thu hút du khách trong những năm qua. Đơn vị này hiện có khoảng 600 nhân sự, trong đó, có 90% là nhân sự chất lượng cao, có chuyên môn sâu. Cả công ty chia thành 20 bộ phận và có đến 15 bộ phận đang triển khai áp dụng mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ vào vận hành, quản lý.
Trong đó, bộ phận kinh doanh quản lý các trang booking online (đặt vé qua internet), sàn thương mại điện tử; bộ phận marketing sử dụng mạng xã hội, website và các ứng dụng sáng tạo nội dung để đưa hình ảnh công ty đến với khách hàng. Đặc biệt, nhà hàng của Đảo Ký ức Hội An hiện triển khai đồng bộ việc gọi món ăn, thức uống qua ứng dụng menu online dưới hình thức quét mã QR.
Mỗi bàn sẽ có một mã QR riêng, khách hàng đặt món trên điện thoại của mình rồi thông tin được chuyển xuống đầu bếp và bộ phận phục vụ mang thức ăn lên đúng vị trí bàn đó cho khách hàng. Ngoài ra, công ty này còn kiểm soát cổng bằng vé điện tử, thiết bị soát vé di động,…
Ông Nguyễn Xuân Hà – Trưởng ban Đào tạo và kiểm soát chất lượng Đảo Ký ức Hội An cho biết, cả đơn vị hiện sử dụng đồng bộ trên dưới 20 phần mềm công nghệ. Các ứng dụng này liên tục cập nhật, thay đổi theo từng ngày để thích ứng với các tiện ích và nhu cầu khách hàng. Từ đây, việc tuyển chọn nhân sự đầu vào của Đảo Ký ức Hội An cũng hết sức kỹ càng.
Ông Nguyễn Xuân Hà cho biết, mặt bằng chung nhân sự phải có phản ứng nhanh với công nghệ. Sau đó, công ty có chương trình đào tạo bài bản, đảm bảo các tiêu chuẩn và sử dụng thành thạo các phần mềm liên quan đến vị trí công việc đó.
“Nhân sự của chúng tôi đa số là người địa phương Hội An và những vùng lân cận, nên so với những thành phố lớn trên cả nước thì nền tảng các kỹ năng nắm bắt về công nghệ của họ chưa được tốt lắm. Tuy nhiên, họ cần cù, siêng năng và rất ham học hỏi. Sau khi được chúng tôi đào tạo, họ nhanh chóng làm chủ công nghệ, ứng dụng tốt cho công việc. Hơn nữa, các phần mềm có tính cải tiến liên tục nên việc đào tạo cho nhân sự ứng dụng công nghệ cũng được đào tạo mỗi ngày. Tối ưu quy trình quản lý, vận hành và phục vụ khách hàng là điểm cộng mà khách hàng dành cho Đảo Ký ức Hội An trong thời gian qua”.
Nguyễn Xuân Hà
Tiếp cận trên ghế nhà trường
Thông tin từ Khoa Kinh tế – du lịch (Trường Đại học Quảng Nam), đứng trước yêu cầu chuyển đổi số của cả giáo dục và ngành du lịch, chương trình đào tạo Việt Nam học thuộc chuyên ngành Văn hóa – Du lịch được điều chỉnh mới nhất vào năm 2022.
Chương trình tập trung đưa những nội dung mới nhất vào giảng dạy theo hướng số hóa, chuyển đổi số. Cụ thể, với các môn nghiệp vụ du lịch, từ lễ tân khách sạn – nhà hàng, nghiệp vụ bàn, nghiệp vụ buồng, cho đến nghiệp vụ hướng dẫn du lịch đều sử dụng những video mô phỏng nghiệp vụ của bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam từ các khách sạn lớn… .
Điều này sẽ giúp sinh viên hình dung công việc, sử dụng những phần mềm dùng thử của SMILE, OPERA về quản lý khách sạn cho sinh viên thực hành công tác hoạt động, quản lý trong khách sạn – nhà hàng…
TS.Nguyễn Thị Vĩnh Linh – Trưởng Khoa Kinh tế – du lịch cho biết, thời gian qua, giảng viên của khoa thường xuyên cập nhật những nguồn tài liệu chuyển đổi số mới nhất trong du lịch cũng như trong xã hội. Mục đích để sinh viên có thể bắt kịp với nghề, ra trường ứng dụng vào công việc ngay.
Ngoài ra, Trường Đại học Quảng Nam hỗ trợ cho giảng viên tham gia các lớp tập huấn về giảng dạy theo phương pháp hiện đại trong thời đại chuyển đổi số. Về phía sinh viên, để tiếp cận và học được những nội dung có ứng dụng công nghệ, bắt buộc sinh viên phải có các trang thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh… có thể kết nối internet. Một số sinh viên khó khăn sẽ được tạo điều kiện sử dụng phòng máy ở thư viện, mở cửa từ 7 – 21 giờ trong các ngày thứ 2 đến thứ 7.
Trừ những năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến ngành du lịch tăng trưởng chậm thì hiện nay , tỷ lệ sinh viên của Khoa Kinh tế – du lịch ra trường có việc làm đúng với chuyên ngành gần đây đạt trên 80%.
Tại trường, sinh viên đã được tiếp cận với những hệ sinh thái ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch như phần mềm khách sạn, công nghệ thực tế ảo VR, phần mềm bán hàng, e-marketing… Khi tiếp cận thực tế sinh viên không có cảm giác bỡ ngỡ mà bắt đầu tìm hiểu sâu để thạo việc.
“Qua khảo sát các doanh nghiệp cảm thấy rất phấn khởi khi tiếp nhận sinh viên thực tập, kiến tập… bởi phần nào các bạn đã hình dung được công việc và thích ứng nhanh với những tiến bộ công nghệ trong quản lý, vận hành. Doanh nghiệp đánh giá rất cao khả năng tiếp cận công nghệ và thích nghi với thực tế công việc của sinh viên Khoa Kinh tế – du lịch” – bà Nguyễn Thị Vĩnh Linh cho biết thêm.
Thực hiện : VINH ANH – SƠN THỦY – QUỐC TUẤN – TÂM THƯ – PHAN VINH
Trình bày: MINH TẠO