Nâng cao tính cạnh tranh thương hiệu
Khoảng cuối tháng 2/2024, rất nhiều khách hàng và người quen của chị Trần Thị Yến – Phó Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu (Duy Xuyên) liên hệ phản ánh về việc có người sử dụng logo của nhãn hiệu Mã Châu nhưng quảng cáo về sản phẩm ở nơi khác.
Cụ thể, một tài khoản trên mạng xã hội có tên T.N đã sử dụng hình ảnh logo của Lụa Mã Châu, sau đó, ghép tên cá nhân vào và sử dụng chèn lên các hình ảnh quảng cáo về lụa của người này, sau đó, đăng tải ở rất nhiều cộng đồng mua bán hàng may mặc trên toàn quốc.
Nắm được thông tin, chị Yến đã liên hệ làm việc với người đang dùng tài khoản có tên T.N, thông tin về việc thương hiệu và bộ nhận dạng thương hiệu của lụa Mã Châu, trong đó, có hình ảnh logo đã được cấp chứng nhận bảo hộ từ năm 2018. Và việc sử dụng hình ảnh logo của nhãn hiệu Mã Châu khi chưa được sự đồng ý và sử dụng với mục đích thương mại đã vi phạm những quy định của pháp luật. Chị Yến đã đề nghị người này rút các bài viết quảng cáo về sản phẩm có sử dụng hình ảnh logo Lụa Mã Châu và viết bài đính chính với khách hàng.
“Ngay khi thành lập công ty, chúng tôi đã rất quan tâm đến vấn đề bảo hộ thương hiệu, bởi lụa Mã Châu đã có từ lâu đời, tương đối nổi tiếng và in hằn trong ký ức của nhiều người. Đây là cơ sở cạnh tranh duy nhất để đối phó với một số đối thủ trên thị trường nếu có hành vi xâm phạm hay nhái thương hiệu nhằm đánh lừa khách hàng, gây mất uy tín của công ty cũng như tập thể những đơn vị đang sản xuất lụa ở địa danh Mã Châu” – chị Yến nói.
Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng quan tâm đến vấn đề bảo hộ thương hiệu như Công ty TNHH Lụa Mã Châu, có nhiều trường hợp bị nhái bao bì sản phẩm, nhái tên thương hiệu.
Một công ty sản xuất bánh dừa trên địa bàn tỉnh vừa phát hiện 2 mẫu bao bì sản phẩm được sử dụng từ năm 2020 đã bị một đơn vị khác nhái giống đến 95% giao diện, chỉ thay mỗi cái tên.
Hay như trường hợp của chị N.T.B.T chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo cũng bị một cá nhân trùng tên B.T lấy hẳn nhận diện thương hiệu và cũng buôn bán những mặt hàng tương tự.
Nhiều cơ chế hỗ trợ
Theo ông Phạm Ngọc Sinh – Phó Giám đốc Sở KHCN kiêm Trưởng ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, trong nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, thương mại các sản phẩm của địa phương, Quảng Nam rất quan tâm đến việc tạo mọi điều kiện để các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp được bảo hộ thương hiệu nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung.
Từ năm 2019, tại Kỳ họp lần thứ 10, HĐND tỉnh khóa IX đã ban hành Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐND quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2025. Tại Điều 4, Nghị quyết nêu rõ việc hỗ trợ xác lập, phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đối với việc đăng ký nhãn hiệu, tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/nhãn hiệu và không quá 5 nhãn hiệu/cơ sở; đăng ký nhãn hiệu tập thể, sẽ được hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/nhãn hiệu; đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, sẽ được hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/nhãn hiệu; đăng ký sáng chế được hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/sáng chế; đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hỗ trợ 10 triệu đồng/kiểu dáng và không quá 5 kiểu dáng công nghiệp/năm/cơ sở…
Hiện nay, nhiều dự án khởi nghiệp hay chủ thể OCOP xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ thương hiệu hay quyền sở hữu trí tuệ vì nghĩ mô hình kinh doanh của mình còn nhỏ. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, bởi thương hiệu là tài sản dễ “đánh cắp” nhất và nó sẽ phát triển và lớn dần cùng với mô hình kinh doanh mà bạn không hề hay biết cho đến khi thực sự bị xâm phạm.
Ông Phạm Ngọc Sinh
Hay cụ thể hơn, năm 2021, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa X đã ban hành Nghị quyết 42/2021/NQ-HĐND quy định về mức chi hỗ trợ đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới đến năm 2030.
Cụ thể, đối với đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ 1 phương án/bộ sản phẩm sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng/văn bằng bảo hộ; đối với kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ từ 2 phương án/bộ sản phẩm trở lên được hỗ trợ 10 triệu đồng/văn bằng bảo hộ; đối với đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sẽ được hỗ trợ từ 4 triệu đồng trở lên…
[VIDEO] – Ông Phạm Ngọc Sinh chia sẻ về những lý do cần chú trọng bảo hộ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ:
Theo ông Sinh, dựa trên những cơ chế hỗ trợ của tỉnh, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp liên hệ phòng Kinh tế hoặc phòng Kinh tế hạ tầng cấp huyện, phòng Quản lý công nghiệp – Sở KHCN hoặc Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh để được hướng dẫn các thủ tục và phương thức thực hiện các vấn đề liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu, kiểu dáng công nghiệp.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/can-bao-ho-thuong-hieu-cho-san-pham-khoi-nghiep-ocop-3144178.html